Cá nhân không cư trú là gì? Cá nhân không cư trú chịu thuế TNCN trên phạm vi thế nào?
Cá nhân không cư trú là gì?
Căn cứ khoản 2, khoản 3 Điều 2 Nghị định 65/2013/NĐ-CP có quy định cá nhân không cư trú được hiểu là cá nhân không đáp ứng được bất kỳ điều kiện nào để được coi là cá nhân cư trú. Cụ thể, cá nhân không cư trú là người:
- Không có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Cá nhân có mặt tại Việt Nam theo quy định này là sự hiện diện của cá nhân đó trên lãnh thổ Việt Nam.
- Không có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, được xác định như sau:
+ Không đăng ký thường trú theo pháp luật về cư trú.
+ Không thuê nhà để ở tại Việt Nam với hợp đồng có thời hạn từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế.
Lưu ý: Đối với cá nhân có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam nhưng thực tế có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế, và không chứng minh được mình là đối tượng cư trú của quốc gia khác, thì vẫn được coi là cá nhân cư trú tại Việt Nam.
Cá nhân không cư trú là gì? Cá nhân không cư trú chịu thuế TNCN trên phạm vi thế nào? (Hình từ Internet)
Phạm vi chịu thuế TNCN đối với thu nhập của cá nhân không cư trú là gì?
Căn cứ Điều 2 Nghị định 65/2013/NĐ-CP có quy định như sau:
Người nộp thuế
1. Người nộp thuế thu nhập cá nhân bao gồm cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Nghị định này. Phạm vi xác định thu nhập chịu thuế của người nộp thuế như sau:
a) Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập;
b) Đối với cá nhân không cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại ViệtNam, không phân biệt nơi trả thu nhập.
2. Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau:
a) Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;
Cá nhân có mặt tại Việt Nam theo quy định tại điểm này là sự hiện diện của cá nhân đó trên lãnh thổ Việt Nam.
b) Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo một trong hai trường hợp sau:
- Có nơi ở đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú;
- Có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở, với thời hạn của các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế.
Trường hợp cá nhân có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo quy định tại Điểm này nhưng thực tế có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế mà cá nhân không chứng minh được là đối tượng cư trú của nước nào thì cá nhân đó là đối tượng cư trú tại Việt Nam.
3. Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều này.
Theo đó, cá nhân không cư trú chịu thuế TNCN trên phạm vi các khoản thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phụ thuộc vào nơi trả thu nhập.
Không tính thuế với các khoản thu nhập phát sinh ngoài lãnh thổ Việt Nam, kể cả khi được trả bởi tổ chức hoặc cá nhân tại Việt Nam.
Cá nhân không cư trú có thu nhập tại Việt Nam thì bị khấu trừ thuê thế nào?
Theo Điều 28 Nghị định 65/2013/NĐ-CP quy định khấu trừ thuế là việc tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện tính trừ số thuế phải nộp vào thu nhập của người nộp thuế trước khi trả thu nhập.
Đối với thu nhập của cá nhân không cư trú, bao gồm cả trường hợp không hiện diện tại Việt Nam thuộc trường hợp phải khấu trừ thuế TNCN.
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC có quy định tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập chịu thuế cho cá nhân không cư trú có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân trước khi trả thu nhập.
Cách tính số thuế khấu trừ thực hiện theo hướng dẫn chi tiết từ Điều 17 đến Điều 23 Chương III Thông tư 111/2013/TT-BTC. Cụ thể như sau:
(1) Thu nhập từ kinh doanh:
Số thuế phải khấu trừ = Doanh thu × Thuế suất.
* Mức thuế suất áp dụng:
- 1%: Kinh doanh hàng hóa.
- 5%: Kinh doanh dịch vụ.
- 2%: Sản xuất, xây dựng, vận tải, ngành nghề khác.
Trường hợp cá nhân không cư trú có doanh thu từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác nhau nhưng không tách riêng được doanh thu của từng lĩnh vực, ngành nghề thì thuế suất thuế thu nhập cá nhân được áp dụng theo mức thuế suất cao nhất đối với lĩnh vực, ngành nghề thực tế hoạt động trên toàn bộ doanh thu.
(2) Thu nhập từ tiền lương, tiền công
Số thuế phải khấu trừ = Thu nhập chịu thuế × thuế suất 20%.
(3) Thu nhập từ đầu tư vốn
Số thuế phải khấu trừ = Tổng thu nhập từ đầu tư × 5%.
(4) Thu nhập từ chuyển nhượng vốn
Số thuế phải khấu trừ = Giá chuyển nhượng × 0,1%.
(5) Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản
Số thuế phải khấu trừ = Giá chuyển nhượng × 2%.
(6) Thu nhập từ bản quyền,
Số thuế phải khấu trừ = (Thu nhập vượt trên 10 triệu đồng) × 5%.
(7) Thu nhập từ nhượng quyền thương mại
Số thuế phải khấu trừ = (Thu nhập vượt trên 10 triệu đồng) × 5%.
(8) Thu nhập từ trúng thưởng, thừa kế, quà tặng
Số thuế phải khấu trừ = (Thu nhập vượt trên 10 triệu đồng) × 10%.
Lưu ý rằng cá nhân không cư trú không được áp dụng các khoản giảm trừ gia cảnh, giảm trừ bảo hiểm bắt buộc hoặc các khoản giảm trừ khác. Do đó, thuế TNCN được tính trực tiếp trên tổng thu nhập chịu thuế mà không có bất kỳ khoản giảm trừ nào.
- Ngày hạch toán kế toán thuế nội địa là ngày nào?
- Máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp có phải nộp thuế GTGT?
- Mua du thuyền có chịu thuế tiêu thụ đặc biệt không?
- Bảo hiểm người học có phải đóng thuế giá trị gia tăng từ ngày 01/07/2025 không?
- Tàu khai thác thủy sản tại vùng biển chịu mức thuế suất thuế giá trị gia tăng là 5% từ ngày 01/07/2025?
- Thuế giá trị gia tăng có áp dụng đối với hoạt động dạy học từ ngày 01/07/2025 không?
- Nước sạch phục vụ sản xuất từ ngày 01/07/2025 áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng bao nhiêu?
- Bộ Tài chính đề xuất tăng mức chi công tác phí? Công tác phí của người lao động có tính thuế thu nhập cá nhân?
- Đề xuất tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến 31/12/2030?
- Hướng dẫn đăng nhập canhantmdt gdt gov vn Cổng thông tin điện tử hỗ trợ hộ cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử kê khai nộp thuế?