Bộ Tài chính đề xuất tăng mức chi công tác phí? Công tác phí của người lao động có tính thuế thu nhập cá nhân?

Bộ Tài chính đã có dự thảo lần 1 Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2017/TT-BTC, đề xuất tăng mức chi công tác phí? Có tính thuế thu nhập cá nhân đối với công tác phí của người lao động không?

Bộ Tài chính đề xuất tăng mức chi công tác phí?

Mới đây, vào ngày 16/12/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn 13783/BTC-HCSN năm 2024 Tải về lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 40/2017/TT-BTC.

Tại Dự thảo Thông tư sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất tăng mức chi công tác phí bao gồm tiền thuê phòng nghỉ tại nơi đến công tác được thanh toán theo hình thức khoán và thanh toán hóa đơn thực tế; các tiền ăn, chi tiêu khác. Cụ thể như sau:

(1) Tiền thuê phòng nghỉ tại nơi đến công tác được thanh toán theo hình thức khoán:

- Lãnh đạo cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng và các chức danh lãnh đạo tương đương, mức khoán: 1.200.000 đồng/ngày/người (mức khoán hiện tại 1.000.000 đồng/ngày/người), không phân biệt nơi đến công tác;

- Đối với các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn lại:

+ Đi công tác ở quận, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và thành phố là đô thị loại I thuộc tỉnh, mức khoán: 550.000 đồng/ngày/người (mức hiện tại 450.000 đồng/ngày/người).

+ Đi công tác tại huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương, tại thị xã, thành phố còn lại thuộc tỉnh, mức khoán: 400.000 đồng/ngày/người (mức hiện tại 350.000 đồng/ngày/người).

+ Đi công tác tại các vùng còn lại, mức khoán: 350.000 đồng/ngày/người (mức hiện tại 300.000 đồng/ngày/người).

(2) Tiền thuê phòng nghỉ tại nơi đến công tác được thanh toán hóa đơn thực tế:

- Đối với Lãnh đạo cấp Bộ trưởng và các chức danh tương đương: Được thanh toán mức giá thuê phòng ngủ: 3.000.000 đồng/ngày/phòng (mức hiện tại 2.500.000 đồng/ngày/phòng) theo tiêu chuẩn một người/1 phòng, không phân biệt nơi đến công tác;

- Đi công tác tại các quận, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và thành phố là đô thị loại I thuộc tỉnh:

+ Đối với Thứ trưởng và các chức danh lãnh đạo tương đương: Được thanh toán mức giá thuê phòng ngủ là 1.500.000 đồng/ngày/phòng (mức hiện tại 1.200.000 đồng/ngày/phòng) theo tiêu chuẩn một người/1 phòng.

+ Đối với các đối tượng còn lại: Được thanh toán mức giá thuê phòng ngủ là 1.200.000 đồng/ngày/phòng (mức hiện tại 1.000.000 đồng/ngày/phòng) theo tiêu chuẩn 2 người/phòng.

- Đi công tác tại các vùng còn lại:

+ Đối với Thứ trưởng và các chức danh lãnh đạo tương đương: Được thanh toán mức giá thuê phòng ngủ là 1.300.000 đồng/ngày/phòng (mức hiện tại 1.100.000 đồng/ngày/phòng) theo tiêu chuẩn một người/1 phòng.

+ Đối với các đối tượng còn lại: Được thanh toán mức giá thuê phòng ngủ là 900.000 đồng/ngày/phòng (mức hiện tại 700.000 đồng/ngày/phòng) theo tiêu chuẩn 2 người/phòng.

(3) Tiền ăn, chi tiêu khác:

- Tiền ăn, chi tiêu khác để chi trả cho người đi công tác do cơ quan, đơn vị cử người đi công tác chi trả, được tính từ ngày bắt đầu đi công tác đến khi kết thúc đợt công tác trở về cơ quan, đơn vị. Mức tiền ăn, tiền chi tiêu khác để chi trả cho người đi công tác 250.000 đồng/ngày (mức hiện tại 200.000 đồng/ngày).

- Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở đất liền được cử đi công tác làm nhiệm vụ trên biển, đảo được hưởng tiền ăn, tiền chi tiêu khác để chi trả cho người đi công tác mức 300.000 đồng/người/ngày thực tế đi biển, đảo (áp dụng cho cả những ngày làm việc trên biển, đảo, những ngày đi, về trên biển, đảo) (mức hiện tại 250.000 đồng/ngày).

Tải về Công văn 13783/BTC-HCSN năm 2024 và Dự thảo Thông tư sửa đổi.

Bộ Tài chính đề xuất tăng mức chi công tác phí? Công tác phí của người lao động có tính thuế thu nhập cá nhân?

Bộ Tài chính đề xuất tăng mức chi công tác phí? Công tác phí của người lao động có tính thuế thu nhập cá nhân? (Hình từ Internet)

Công tác phí của người lao động có tính thuế thu nhập cá nhân?

Căn cứ tiết đ.4 điểm đ khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định các khoản thu nhập chịu thuế TNCN như sau:

Các khoản thu nhập chịu thuế
...
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công
...
đ) Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức:
...
đ.4) Phần khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục,… cao hơn mức quy định hiện hành của Nhà nước. Mức khoán chi không tính vào thu nhập chịu thuế đối với một số trường hợp như sau:
đ.4.1) Đối với cán bộ, công chức và người làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, Hội, Hiệp hội: mức khoán chi áp dụng theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.
đ.4.2) Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh, các văn phòng đại diện: mức khoán chi áp dụng phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
đ.4.3) Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức quốc tế, các văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài: mức khoán chi thực hiện theo quy định của Tổ chức quốc tế, văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài.
...

Đồng thời, căn cứ tiết b điểm 2.5 khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 3 Thông tư 25/2018/TT-BTC quy định về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN như sau:

Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
...
2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
...
2.5. Chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:
...
b) Các Khoản tiền lương, tiền thưởng cho người lao động không được ghi cụ thể Điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.
...

Như vậy, đối với người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh, các văn phòng đại diện, công tác phí của người lao động sẽ không tính thuế thu nhập cá nhân nếu khoản thanh toán công tác phí đó phù hợp với mức khoán chi quy định tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.

Trừ trường hợp công ty chi cho người lao động cao hơn mức khoán chi thì phần chi cao hơn mức khoán chi quy định phải tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.

Ngoài ra, đối với người lao động làm việc trong các tổ chức quốc tế, các văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài: mức khoán chi thực hiện theo quy định của Tổ chức quốc tế, văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài.

Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công là khi nào?

Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 8 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định thời điểm xác định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công như sau:

- Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người nộp thuế.

- Riêng thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm có tích lũy theo hướng dẫn tại điểm đ.2 khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC là thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm, công ty quản lý quỹ hữu trí tự nguyện trả tiền bảo hiểm.

Cùng chủ đề
Tác giả:
Lượt xem: 0
Bài viết mới nhất

Đăng ký tài khoản Lawnet

Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;