Trình tự phát biểu khi tranh luận tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự

Trình tự phát biểu khi tranh luận tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự
Lê Trương Quốc Đạt

Cho tôi hỏi trình tự phát biểu khi tranh luận tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự thế nào? - Minh Duy (Vĩnh Long)

Trình tự phát biểu khi tranh luận tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự

Trình tự phát biểu khi tranh luận tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Trình tự phát biểu khi tranh luận tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự

Trình tự phát biểu khi tranh luận tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự theo Điều 260 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:

- Sau khi kết thúc việc hỏi, Hội đồng xét xử chuyển sang phần tranh luận tại phiên tòa. Trình tự phát biểu khi tranh luận được thực hiện như sau:

+ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày. Nguyên đơn có quyền bổ sung ý kiến. Trường hợp cơ quan, tổ chức khởi kiện thì đại diện cơ quan, tổ chức trình bày ý kiến. Người có quyền và lợi ích hợp pháp được bảo vệ có quyền bổ sung ý kiến;

+ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn tranh luận, đối đáp. Bị đơn có quyền bổ sung ý kiến;

+ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền bổ sung ý kiến;

+ Các đương sự đối đáp theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa;

+ Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể yêu cầu các đương sự tranh luận bổ sung về những vấn đề cụ thể để làm căn cứ giải quyết vụ án.

- Trường hợp nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì họ tự mình trình bày khi tranh luận.

- Trường hợp vắng mặt một trong các đương sự và người tham gia tố tụng khác thì chủ tọa phiên tòa phải công bố lời khai của họ để trên cơ sở đó các đương sự có mặt tại phiên tòa tranh luận và đối đáp.

2. Nội dung và phương thức tranh tụng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự

Nội dung và phương thức tranh tụng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự theo Điều 247 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:

- Tranh tụng tại phiên tòa bao gồm việc trình bày chứng cứ, hỏi, đối đáp, trả lời và phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ, tình tiết của vụ án dân sự, quan hệ pháp luật tranh chấp và pháp luật áp dụng để giải quyết yêu cầu của các đương sự trong vụ án.

- Việc tranh tụng tại phiên tòa được tiến hành theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa.

3. Trình bày của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự

Theo Điều 248 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về trình bày của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự như sau:

- Trường hợp có đương sự vẫn giữ nguyên yêu cầu của mình và các đương sự không tự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì các đương sự trình bày theo trình tự sau đây:

+ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày về yêu cầu và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của nguyên đơn là có căn cứ và hợp pháp. Nguyên đơn có quyền bổ sung ý kiến.

Trường hợp cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án thì đại diện cơ quan, tổ chức trình bày về yêu cầu và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp;

+ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn trình bày ý kiến của bị đơn đối với yêu cầu của nguyên đơn; yêu cầu phản tố, đề nghị của bị đơn và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu, đề nghị đó là có căn cứ và hợp pháp. Bị đơn có quyền bổ sung ý kiến;

+ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày ý kiến của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với yêu cầu, đề nghị của nguyên đơn, bị đơn; 

Yêu cầu độc lập, đề nghị của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu, đề nghị đó là có căn cứ và hợp pháp. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền bổ sung ý kiến.

- Trường hợp nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình thì họ tự trình bày về yêu cầu, đề nghị của mình và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu, đề nghị đó là có căn cứ và hợp pháp.

- Tại phiên tòa, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự chỉ có quyền bổ sung chứng cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 96 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 để chứng minh cho yêu cầu, đề nghị của mình.

- Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh tụng, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh tụng trình bày hết ý kiến nhưng có quyền yêu cầu họ dừng trình bày những ý kiến không có liên quan đến vụ án dân sự.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

2793 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;