Quy trình giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng

Quy trình giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng
Trần Thanh Rin

Tôi muốn hỏi quy trình giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng được thực hiện qua những bước nào? - Ngọc Châu (Quảng Nam)

Quy trình giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng

Quy trình giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Các nội dung giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng

Theo Điều 3 Thông tư 17/2021/TT-BXD, các nội dung giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng bao gồm:

- Giám định tư pháp về sự tuân thủ các quy định của pháp luật quy hoạch xây dựng, hoạt động đầu tư xây dựng, nhà ở và kinh doanh bất động sản, bao gồm:

+ Sự tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng và hoạt động đầu tư xây dựng, trong các giai đoạn: lập và quản lý quy hoạch; lập dự án đầu tư xây dựng, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, thi công xây dựng công trình, nghiệm thu và bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng, khai thác và bảo trì công trình xây dựng;

+ Sự tuân thủ các quy định cua pháp luật về nhà ở và kinh doanh bất động sản, bao gồm: sở hữu, mua bán, giao dịch, cho thuê, quản lý nhà ở và bất động sản,

- Giám định tư pháp về chất lượng xây dựng, bao gồm: giám định chất lượng khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, vật liệu xây dựng, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị công trình, bộ phận công trình, công trình xây dựng; giám định nguyên nhân sự cố công trình xây dựng, nguyên nhân hư hỏng công trình xây dựng.

- Giám định tư pháp về chi phí xây dựng công trình, bao gồm: giám định về tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình, giá gói thầu xây dựng; thanh toán và quyết toán hợp đồng xây dựng, thanh toán và quyết toán vốn đầu tư xây dựng và các vấn đề khác có liên quan; giám định tư pháp về giá trị nhà ở và bất động sản.

2. Quy trình giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng

Cụ thể tại Điều 10 Thông tư 17/2021/TT-BXD, quy trình giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng được thực hiện qua các bước sau đây:

Bước 1: Tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định

- Tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng tiếp nhận quyết định trưng cầu giám định hoặc văn bản yêu cầu giám định; kiểm tra sự đầy đủ, tính hợp lệ của hồ sơ, tài liệu, đối tượng giám định (nếu có) được giao nhận theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 10 Thông tư 17/2021/TT-BXD;

- Việc giao, nhận hồ sơ, tài liệu, đối tượng giám định thực hiện theo quy định tại Điều 27 Luật Giám định tư pháp 2012.

Trường hợp đối tượng giám định không thể gửi kèm quyết định trưng cầu, yêu cầu giám định thì người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định và tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng thực hiện lập biên bản giao, nhận đối tượng giám định tại hiện trường nơi có vụ việc được trưng cầu, yêu cầu giám định theo quy định;

- Trường hợp hồ sơ, tài liệu phục vụ giám định không đầy đủ, không hợp lệ thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng có văn bản đề nghị người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định bổ sung, hoàn thiện;

- Trường hợp từ chối giám định theo quy định tại khoản 2 Điều 11 và điểm b khoản 1 Điều 24 Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi 2020)

Hoặc trường hợp không được thực hiện giám định tư pháp theo quy định tại Điều 34 Luật Giám định tư pháp 2012 thì tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng thông báo lý do bằng văn bản cho người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu, yêu cầu giám định.

Bước 2: Chuẩn bị giám định

- Tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng cần thiết lập đề cương, dự toán chi phí giám định và đề nghị tạm ứng chi phí giám định gửi người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định. Đề cương giám định bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

+ Căn cứ thực hiện giám định: quyết định trưng cầu giám định hoặc văn bản yêu cầu giám định; các quy định pháp luật, danh mục các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng và các căn cứ khác (nếu có);

+ Thông tin về tổ chức, cá nhân thực hiện giám định;

+ Thông tin về đối tượng và nội dung giám định; quy trình, phương pháp thực hiện giám định; tên phòng thí nghiệm, danh mục các thiết bị được sử dụng (nếu có); các nội dung cần thiết khác để phục vụ giám định;

+ Thời gian, tiến độ hoàn thành;

+ Dự toán chi phí giám định kèm theo;

- Người trưng cầu, người yêu cầu giám định tổ chức xem xét, chấp thuận đề cương, dự toán chi phí giám định và tạm ứng chi phí giám định theo đề nghị của tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng.

Trường hợp cần thiết, người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có thể thuê tổ chức, cá nhân đủ điều kiện năng lực theo quy định thực hiện thẩm tra đề cương, dự toán chi phí giám định để làm cơ sở chấp thuận.

Việc thoả thuận thực hiện giám định giữa người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định và tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng được thể hiện bằng hợp đồng hoặc bằng hình thức văn bản khác theo quy định của pháp luật.

Bước 3: Thực hiện giám định

- Tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng thực hiện giám định theo nội dung đề cương giám định được chấp thuận; kết luận giám định được lập theo quy định tại Điều 32 Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi 2020);

- Trong quá trình thực hiện, tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng phải lập văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định theo quy định tại Điều 31 Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi 2020);

- Trường hợp cần bổ sung hồ sơ, tài liệu để phục vụ việc giám định thì tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng có văn bản đề nghị người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định bổ sung.

Thời gian từ khi tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng có văn bản đề nghị đến khi nhận được hồ sơ, tài liệu bổ sung không tính vào thời gian giám định. Trường hợp hồ sơ, tài liệu không được bổ sung đủ theo đề nghị thì tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng có quyền từ chối giám định.

Bước 4: Bàn giao kết luận giám định và thanh toán chi phí giám định

Tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng có trách nhiệm bàn giao kết luận giám định cho người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định và lập thành biên bản. Người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có trách nhiệm thanh toán chi phí giám định cho tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng theo quy định.

Bước 5: Tham dự phiên tòa

Khi có yêu cầu của tòa án, đại diện tổ chức hoặc cá nhân giám định tư pháp xây dựng tham gia phiên tòa để giải thích các nội dung trong kết luận giám định.

Tòa án có trách nhiệm bố trí vị trí phù hợp cho người giám định tư pháp khi tham gia tố tụng tại phiên tòa theo quy định tại khoản 5 Điều 44 Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi 2020) và thanh toán chi phí đi lại, chế độ bồi dưỡng cho người giám định tham dự phiên tòa theo quy định của pháp luật về chế độ bồi dưỡng đối với người tham gia phiên tòa.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

1667 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;