Quy trình giám định tư pháp trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội

Xin cho tôi hỏi quy trình giám định tư pháp trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội được thực hiện như thế nào? - Hoàng Phong (Hải Phòng)

Quy trình giám định tư pháp trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội (Hình từ internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

Quy trình giám định tư pháp trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội 

Theo Điều 12 Thông tư 18/2023/TT-BLĐTBXH quy định quy trình giám định tư pháp trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội như sau:

(1) Tiếp nhận trưng cầu giám định tư pháp, đối tượng giám định và tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có).

- Trường hợp trưng cầu giám định tư pháp gửi đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trình tự, thủ tục tiếp nhận trưng cầu giám định tư pháp thực hiện theo quy định về tiếp nhận văn bản đến của Quy chế văn thư và lưu trữ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Sau khi nhận được phân công, xử lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với vụ việc giám định tư pháp, Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu lựa chọn để trình Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phân công giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc hoặc thành lập Hội đồng giám định.

- Trường hợp trưng cầu giám định tư pháp được gửi đến đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Việc tiếp nhận trưng cầu giám định được thực hiện theo trình tự, thủ tục tiếp nhận văn bản đến của đơn vị.

Người đứng đầu đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phân công giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc phù hợp với nội dung trưng cầu giám định.

- Trường hợp trưng cầu giám định tư pháp gửi trực tiếp đến giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc thì giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc tiếp nhận và xử lý theo quy định của pháp luật.

- Việc giao, nhận trực tiếp hồ sơ, đối tượng trưng cầu giám định phải được lập thành biên bản theo quy định tại Điều 27 Luật Giám định tư pháp 2012.

(2) Chuẩn bị thực hiện giám định tư pháp.

- Nghiên cứu hồ sơ, thông tin, tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có) về vụ việc giám định tư pháp.

Trường hợp cần phải có thêm hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung giám định thì đề nghị người trưng cầu giám định cung cấp thêm thông tin, tài liệu.

Trường hợp có căn cứ từ chối giám định thì thực hiện việc từ chối giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp 2012.

- Nghiên cứu quy chuẩn chuyên môn để thực hiện giám định.

(3) Thực hiện giám định tư pháp.

Hội đồng giám định, giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc thực hiện giám định như sau:

- Nghiên cứu đối tượng giám định, thông tin, tài liệu và đối chiếu với các quy chuẩn chuyên môn để đưa ra nhận xét, đánh giá về nội dung được yêu cầu giám định.

- Xây dựng dự thảo kết luận giám định tư pháp.

(4) Kết luận giám định tư pháp.

- Căn cứ kết quả thực hiện giám định tư pháp, Hội đồng giám định, giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc kết luận đối với từng nội dung yêu cầu giám định cụ thể.

- Kết luận giám định bao gồm các nội dung theo quy định tại Điều 32 Luật Giám định tư pháp 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), theo mẫu quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 18/2023/TT-BLĐTBXH.

Nguyễn Ngọc Quế Anh

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

266 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;