Quy định về trưng cầu giám định tư pháp mới nhất

Quy định về trưng cầu giám định tư pháp là nội dung được quy định tại Luật Giám định tư pháp 2012.

Quy định về trưng cầu giám định tư pháp mới nhất

Quy định về trưng cầu giám định tư pháp mới nhất (Hình ảnh từ Internet)

1. Quy định về trưng cầu giám định tư pháp mới nhất

Tại Điều 25 Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi bởi khoản 15 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giám định tư pháp 2020) quy định về trưng cầu giám định tư pháp như sau:

- Người trưng cầu giám định quyết định trưng cầu giám định tư pháp bằng văn bản và gửi quyết định kèm theo đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có) đến cá nhân, tổ chức thực hiện giám định. Trường hợp đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật có liên quan không thể gửi kèm theo quyết định trưng cầu giám định thì người trưng cầu giám định có trách nhiệm làm thủ tục bàn giao cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định.

- Quyết định trưng cầu giám định phải có các nội dung sau đây:

+ Tên cơ quan trưng cầu giám định; hạ, tên người có thẩm quyền trưng cầu giám định;

+ Tên tổ chức; họ, tên người được trưng cầu giám định;

+ Tóm tắt nội dung sự việc;

+ Tên và đặc điểm của đối tượng cần giám định;

+ Tên tài liệu, đồ vật có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo (nếu có);

+ Nội dung chuyên môn của vấn đề cần giám định;

+ Ngày, tháng, năm trưng cầu giám định và thời hạn trả kết luận giám định tư pháp.

- Trường hợp trưng cầu giám định bổ sung hoặc trưng cầu giám định lại thì quyết định trưng cầu giám định phải ghi rõ là trưng cầu giám định bổ sung hoặc trưng cầu giám định lại và lý do của việc giám định bổ sung hoặc giám định lại.

- Trong trường hợp cần thiết, trước khi ra quyết định trưng cầu giám định, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trao đối với cá nhân, tổ chức dự kiến được trưng cầu giám định và cơ quan có liên quan về nội dung trưng cầu, thời hạn giám định, thông tin, tài liệu, mẫu vật cần cho việc giám định và các vấn đề khác có liên quan (nếu có).

- Trường hợp nội dung cần giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực, thuộc trách nhiệm của nhiều tổ chức thì người trưng cầu giám định phải tách riêng từng nội dung để trưng cầu tổ chức có chuyên môn phù hợp thực hiện giám định.

Trường hợp các nội dung giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn có quan hệ mật thiết với nhau, thuộc trách nhiệm của nhiều tổ chức mà việc tách riêng từng nội dung gây khó khăn cho việc thực hiện giám định, ảnh hưởng đến tính chính xác của kết quả giám định hoặc kéo dài thời gian giám định thì người trưng cầu giám định phải xác định được nội dung chính cần giám định để xác định tổ chức chủ trì và tổ chức phối hợp trong việc thực hiện giám định.

Tổ chức chủ trì có trách nhiệm làm đầu mối tổ chức triển khai việc giám định chung và thực hiện giám định phần nội dung chuyên môn của mình.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu giám định, tổ chức được trưng cầu giám định tư pháp phải có văn bản cử người giám định gửi người trưng cầu giám định; đối với tổ chức phối hợp thực hiện giám định thì còn phải gửi văn bản cử người giám định cho tổ chức chủ trì việc thực hiện giám định. Tổ chức chủ trì phải tổ chức ngay việc giám định sau khi nhận được văn bản cử người của tổ chức phối hợp thực hiện giám định. Việc giám định trong trường hợp này được thực hiện theo hình thức giám định tập thể thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau quy định tại khoản 3 Điều 28 Luật Giám định tư pháp 2012.

Trường hợp phát sinh vướng mắc trong việc trưng cầu, phối hợp thực hiện giám định, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chủ trì, phối hợp với tổ chức được trưng cầu để giải quyết.

2. Các trường hợp không được thực hiện giám định tư pháp

Tại Điều 34 Luật Giám định tư pháp 2012 quy định về các trường hợp không được giám định tư pháp như sau:

* Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được thực hiện giám định tư pháp:

- Thuộc một trong các trường hợp mà pháp luật về tố tụng quy định phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi;

- Được trưng cầu giám định lại về cùng một nội dung trong vụ án, vụ việc mà mình đã thực hiện giám định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

* Tổ chức thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được thực hiện giám định tư pháp:

- Có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật về tố tụng;

- Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng tổ chức này có thể không khách quan, vô tư trong khi thực hiện giám định.

Tô Quốc Trình

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

147 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;