Xin hỏi quy định chung về việc kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước mới nhất? - Văn Phúc (Quảng Ninh)
Căn cứ Luật Tài nguyên nước 2023 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024) quy định tài nguyên nước bao gồm nước mặt, nước dưới đất, nước mưa và nước biển. Trong đó:
- Nước mặt là nước tồn tại trên mặt đất liền, hải đảo.
- Nước dưới đất là nước tồn tại trong các tầng chứa nước dưới đất ở đất liền, hải đảo, dưới đáy biển.
Quy định chung về việc kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước (Hình từ internet)
Căn cứ Điều 52 Luật Tài nguyên nước 2023 quy định chung về việc kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước như sau:
(1) Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất công nghiệp, thủy điện, thủy lợi, thể thao, du lịch, kinh doanh, dịch vụ, tạo nguồn, ngăn mặn, chống ngập, tạo cảnh quan và các mục đích khác phải có giấy phép khai thác tài nguyên nước tương ứng với loại nguồn nước khai thác theo điểm (2), trừ các trường hợp (3), (4) và (5); trường hợp khai thác nước dưới đất còn phải có giấy phép thăm dò nước dưới đất trước khi xây dựng công trình.
(2) Giấy phép khai thác tài nguyên nước bao gồm:
- Giấy phép khai thác nước mặt;
- Giấy phép khai thác nước dưới đất;
- Giấy phép khai thác nước biển.
(3) Tổ chức, cá nhân không phải kê khai, cấp phép khai thác tài nguyên nước và đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong các trường hợp sau đây:
- Khai thác nước cho các hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phòng cháy, chữa cháy, phục vụ mục đích quốc phòng và an ninh, tưới cây và rửa đường phục vụ mục đích công cộng;
- Khai thác nước mặt quy mô nhỏ để sử dụng cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản;
- Khai thác nước mặt quy mô nhỏ để sử dụng cho các mục đích ngoài mục đích quy định tại điểm a, điểm b khoản này và điểm đ khoản 5 Điều 52 Luật Tài nguyên nước 2023;
- Khai thác nước cho sinh hoạt tại các khu vực trong thời gian xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sự cố ô nhiễm, dịch bệnh do cấp có thẩm quyền công bố theo quy định của pháp luật;
- Khai thác nước biển để sử dụng cho sản xuất muối;
- Khai thác nước biển phục vụ các hoạt động trên biển;
- Khai thác nước biển quy mô nhỏ để sử dụng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản trên đảo, đất liền;
- Sử dụng mặt nước sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ quy mô nhỏ;
- Đào hồ, ao, kênh, mương, rạch quy mô nhỏ để tạo không gian thu, trữ nước, dẫn nước, tạo cảnh quan;
- Hoạt động sử dụng mặt nước trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi thực hiện theo quy định của pháp luật về thủy lợi;
- Các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.
(4) Hộ gia đình khai thác nước dưới đất để sử dụng cho sinh hoạt của mình phải thực hiện kê khai để quản lý.
(5) Tổ chức, cá nhân phải đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong các trường hợp sau đây:
- Khai thác nước mặt quy mô vừa để sử dụng cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản;
- Khai thác nước dưới đất quy mô nhỏ để sử dụng cho các mục đích ngoài mục đích khai thác nước cho các hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phòng cháy, chữa cháy, phục vụ mục đích quốc phòng và an ninh, tưới cây và rửa đường phục vụ mục đích công cộng và điểm (4);
- Sử dụng nước dưới đất tự chảy trong moong khai thác khoáng sản để tuyển quặng tại moong hoặc bơm hút nước để tháo khô lượng nước tự chảy vào moong khai thác khoáng sản;
- Khai thác nước biển quy mô vừa để sử dụng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản trên hải đảo, đất liền;
- Công trình ngăn sông, suối, kênh, mương, rạch có quy mô vừa và nhỏ với mục đích tạo nguồn, ngăn mặn, chống ngập, tạo cảnh quan;
- Sử dụng mặt nước sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ có quy mô không thuộc trường hợp sử dụng mặt nước sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ quy mô nhỏ; sử dụng mặt nước hồ chứa để sản xuất điện mặt trời;
- Đào sông, suối; đào hồ, ao, kênh, mương, rạch để tạo không gian thu, trữ nước, dẫn nước, tạo cảnh quan có quy mô không thuộc trường hợp (3).
(6) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 53 của Luật này cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước trong đó xác định hạn ngạch khai thác tài nguyên nước đối với tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này; xác nhận đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này.
(7) Trường hợp tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác nước dưới đất trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, cơ quan cấp phép về tài nguyên nước phải lấy ý kiến bằng văn bản của cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi đó trước khi cấp phép thăm dò, khai thác nước dưới đất.
(8) Việc lấy ý kiến của đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân có liên quan về tác động của công trình khai thác nước được quy định như sau:
- Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình khai thác nước có ảnh hưởng lớn đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của Nhân dân trên địa bàn có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân có liên quan về tác động của phương án khai thác, sử dụng tài nguyên nước của dự án; tổng hợp, tiếp thu, giải trình bằng văn bản và gửi kèm theo hồ sơ cấp phép khai thác tài nguyên nước;
- Tổ chức, cá nhân đầu tư dự án phải công bố, công khai thông tin về những nội dung liên quan đến khai thác tài nguyên nước của dự án và những ảnh hưởng có thể gây ra trước khi triển khai thực hiện;
- Kinh phí tổ chức lấy ý kiến do tổ chức, cá nhân đầu tư dự án chi trả.
Mai Thanh Lợi
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |