Phân loại kỹ thuật về cháy đối với công trình

Xin hỏi việc phân loại kỹ thuật về cháy đối với công trình hiện nay được hướng dẫn như thế nào? – Thùy Trang (TPHCM)

Phân loại kỹ thuật về cháy đối với công trình

Nội dung này được hướng dẫn tại Thông tư 05/2022/TT-BXD về QCVN 03:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phân cấp công trình phục vụ thiết kế xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành.

Theo đó, phân loại kỹ thuật về cháy đối với công trình được quy định như sau:

1. Việc phân loại kỹ thuật về cháy đối với công trình nhằm thiết lập các yêu cầu an toàn cháy khi thiết kế xây dựng các hệ thống phòng cháy chống cháy cho công trình, phụ thuộc vào công năng và tính nguy hiểm cháy của công trình.

CHÚ THÍCH: Các khái niệm về an toàn cháy được định nghĩa tại QCVN 06:2022/BXD.

2. Phân loại kỹ thuật về cháy đối với công trình được thực hiện theo các tiêu chí sau:

- Bậc chịu lửa;

- Cấp nguy hiểm cháy kết cấu;

- Nhóm nguy hiểm cháy theo công năng.

3. Bậc chịu lửa của công trình được phân thành 5 bậc từ I, II, III, IV đến V; phụ thuộc vào số tầng (hoặc chiều cao phòng cháy chữa cháy của công trình), nhóm nguy hiểm cháy theo công năng, diện tích khoang cháy và tính nguy hiểm cháy của các quá trình công nghệ diễn ra trong công trình.

CHÚ THÍCH: Đối với nhà chung cư có chiều cao trên 75 m và nhà công cộng có chiều cao trên 50 m, QCVN 06:2022/BXD quy định các yêu cầu riêng về giới hạn chịu lửa của kết cấu, cấu kiện của công trình.

4. Cấp nguy hiểm cháy kết cấu của công trình được phân thành 4 cấp từ S0, S1, S2 đến S3; theo tính nguy hiểm cháy của cấu kiện.

5. Công trình được phân thành 5 nhóm nguy hiểm cháy theo công năng từ F1, F2, F3, F4 đến F5; tùy thuộc vào đặc điểm sử dụng chúng và vào mức đe dọa tới sự an toàn của người trong trường hợp xảy ra đám cháy có tính đến: lứa tuổi, trạng thái thể chất, khả năng có người đang ngủ, nhóm người sử dụng theo công năng chính và số người của nhóm đó.

6. Bậc chịu lửa, cấp nguy hiểm cháy kết cấu và nhóm nguy hiểm cháy theo công năng của công trình được xác định theo QCVN 06:2022/BXD.

Phân loại kỹ thuật về cháy đối với công trình

Phân loại kỹ thuật về cháy đối với công trình (Hình từ internet)

QCVN 03:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phân cấp công trình phục vụ thiết kế xây dựng

Quy chuẩn này quy định về việc phân cấp công trình theo các tiêu chí sau:

- Hậu quả do kết cấu công trình bị hư hỏng hoặc phá hủy (sau đây gọi là cấp hậu quả);

- Thời hạn sử dụng theo thiết kế của công trình;

- Phân loại kỹ thuật về cháy đối với công trình (hoặc các phần của công trình, sau đây gọi chung là công trình), bao gồm: bậc chịu lửa, cấp nguy hiểm cháy kết cấu và nhóm nguy hiểm cháy theo công năng.

Trong quy chuẩn này, các thuật ngữ, định nghĩa dưới đây được hiểu như sau:

Bậc chịu lửa: Đặc trưng phân bậc của công trình, được xác định bởi giới hạn chịu lửa của các kết cấu, cấu kiện sử dụng để xây dựng công trình đó.

Cấp hậu quả: Đặc trưng phân cấp của công trình, phụ thuộc vào công năng sử dụng của công trình, cũng như thiệt hại về người, hậu quả về xã hội, môi trường và kinh tế khi kết cấu công trình bị hư hỏng hoặc phá hủy.

Cấp nguy hiểm cháy kết cấu công trình: Đặc trưng phân cấp của công trình, được xác định bởi mức độ tham gia của kết cấu xây dựng vào sự phát triển đám cháy và hình thành các yếu tố nguy hiểm của đám cháy.

Độ bền lâu: Khả năng của công trình xây dựng bảo toàn được các tính chất độ bền, vật lý và các tính chất khác đã được quy định trong thiết kế và bảo đảm cho công trình xây dựng sử dụng bình thường trong suốt thời hạn sử dụng theo thiết kế.

Kết cấu công trình: Tổ hợp các bộ phận, cấu kiện của công trình chịu tất cả các tải trọng và tác động lên công trình, và bảo đảm độ bền, độ cứng và ổn định cho công trình.

Nhóm nguy hiểm cháy theo công năng của công trình: Đặc trưng phân nhóm của công trình, được xác định bởi công năng và các đặc điểm sử dụng riêng của công trình, kể cả các đặc điểm của các quá trình công nghệ của sản xuất trong công trình đó.

Sửa chữa lớn (đối với kết cấu công trình): Hoạt động thay thế, gia cường, khôi phục các bộ phận, cấu kiện kết cấu hoặc gia cố nền nhằm đưa chúng trở lại trạng thái làm việc bình thường.

CHÚ THÍCH: Công tác sửa chữa, thay thế các bộ phận bao che, trang trí, hoàn thiện, các lớp bảo vệ kết cấu trong quá trình bảo trì không được coi là sửa chữa lớn.

Dương Châu Thanh

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

3510 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;