Xin cho tôi hỏi lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc bao gồm những ai? - Kinh Lâm (Đồng Nai)
Lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc gồm những ai? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Lực lượng sơ cứu, cấp cứu gồm:
- Người lao động được người sử dụng lao động phân công tham gia lực lượng sơ cứu. Việc phân công người lao động tham gia lực lượng sơ cứu phải đáp ứng các tiêu chí sau:
+ Có đủ sức khỏe và tình nguyện tham gia các hoạt động sơ cứu, cấp cứu;
+ Có thể có mặt sớm nhất tại vị trí xảy ra tai nạn lao động để hỗ trợ sơ cứu, cấp cứu trong thời gian làm việc;
+ Được huấn luyện về sơ cứu, cấp cứu theo hướng dẫn tại Điều 9 của Thông tư này.
- Người làm công tác y tế tại cơ sở sản xuất kinh doanh.
(Khoản 1 Điều 7 Thông tư 19/2016/TT-BYT)
Cụ thể tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 7 Thông tư 19/2016/TT-BYT quy định về tổ chức lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc như sau:
- Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh có công việc thuộc Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, người sử dụng lao động sắp xếp và bố trí số lượng người lao động làm công tác sơ cứu, cấp cứu như sau:
+ Dưới 100 người lao động phải bố trí ít nhất 01 người lao động làm công tác sơ cứu, cấp cứu;
+ Cứ mỗi 100 người lao động tăng thêm phải bố trí thêm ít nhất 01 người lao động làm công tác sơ cứu, cấp cứu.
- Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh khác, người sử dụng lao động sắp xếp và bố trí số lượng người lao động làm công tác sơ cứu, cấp cứu như sau:
+ Dưới 200 người lao động phải bố trí ít nhất 01 người lao động làm công tác sơ cứu, cấp cứu;
+ Cứ mỗi 150 người lao động tăng thêm phải bố trí thêm ít nhất 01 người lao động làm công tác sơ cứu, cấp cứu.
Lưu ý: Bảo đảm mỗi ca làm việc hoặc nhóm làm việc lưu động phải có người hoặc lực lượng chịu trách nhiệm sơ cứu, cấp cứu.
Căn cứ theo Điều 8 Thông tư 19/2016/TT-BYT quy định về yêu cầu đối với khu vực sơ cứu, cấp cứu như sau:
- Trường hợp trên 300 người cùng lao động tập trung trên một mặt bằng phải bố trí khu vực sơ cứu, cấp cứu.
- Khu vực sơ cứu, cấp cứu phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu như sau:
+ Phải đủ rộng để đặt cáng cứu thương và có chỗ cho người bị tai nạn lao động nằm và được thông khí, chiếu sáng và có biển hiệu (chữ thập);
+ Bố trí gần nhà vệ sinh, dễ tiếp cận với khu vực lao động, sản xuất và dễ dàng trong công tác sơ cứu, cấp cứu hoặc vận chuyển người lao động khi bị tai nạn lao động;
+ Danh mục trang thiết bị của khu vực sơ cứu, cấp cứu thực hiện theo quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư 19/2016/TT-BYT.
Theo Điều 9 Thông tư 19/2016/TT-BYT quy định về huấn luyện sơ cứu, cấp cứu như sau:
- Đối tượng huấn luyện sơ cứu, cấp cứu bao gồm:
+ Người lao động, trừ trường hợp đã có Giấy chứng nhận huấn luyện an toàn vệ sinh lao động;
+ Người được phân công tham gia lực lượng sơ cứu, cấp cứu.
- Thời gian, nội dung huấn luyện và huấn luyện lại hằng năm thực hiện theo quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư 19/2016/TT-BYT.
- Người được huấn luyện phải ký vào Sổ theo dõi huấn luyện sơ cứu, cấp cứu theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư 19/2016/TT-BYT sau khi được huấn luyện. Trường hợp người lao động đã có Giấy chứng nhận huấn luyện an toàn vệ sinh lao động thì không phải ký vào Sổ theo dõi huấn luyện sơ cứu, cấp cứu nhưng phải lưu bản sao Giấy chứng nhận huấn luyện an toàn vệ sinh lao động.
Hồ Quốc Tuấn
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |