Liên đoàn luật sư Việt Nam là gì? Các cơ quan của Liên đoàn luật sư Việt Nam

Xin cho tôi hỏi Liên đoàn luật sư Việt Nam là gì? Các cơ quan của Liên đoàn luật sư Việt Nam gồm những gì? - Hồng Long (Bình Định)

Liên đoàn luật sư Việt Nam là gì? Các cơ quan của Liên đoàn luật sư Việt Nam

Liên đoàn luật sư Việt Nam là gì? Các cơ quan của Liên đoàn luật sư Việt Nam (Hình từ internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau

1. Liên đoàn luật sư Việt Nam là gì?

Cụ thể tại Điều 64 Luật Luật sư 2006 (sửa đổi 2012) quy định về Liên đoàn luật sư Việt Nam như sau:

- Liên đoàn luật sư Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư trong phạm vi cả nước, đại diện cho luật sư, các Đoàn luật sư, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản, hoạt động theo nguyên tắc tự trang trải bằng nguồn thu từ phí thành viên, các khoản đóng góp của thành viên và nguồn thu hợp pháp khác.

Thành viên của Liên đoàn luật sư Việt Nam là các Đoàn luật sư và các luật sư. Các luật sư tham gia Liên đoàn luật sư Việt Nam thông qua Đoàn luật sư nơi mình gia nhập.

- Liên đoàn luật sư Việt Nam có Điều lệ.

Quyền, nghĩa vụ của thành viên Liên đoàn luật sư Việt Nam do Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam quy định.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn luật sư Việt Nam

Căn cứ theo Điều 65 Luật Luật sư 2006 (sửa đổi 2012) quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn luật sư Việt Nam gồm:

- Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các Đoàn luật sư, các luật sư trong phạm vi cả nước.

- Giám sát luật sư, Đoàn luật sư trong việc tuân thủ pháp luật, tuân theo Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam; đề nghị Bộ Tư pháp thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư.

- Ban hành và giám sát việc tuân theo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam không được trái với Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam.

- Tổ chức đào tạo nghề luật sư; xây dựng chương trình và hướng dẫn các Đoàn luật sư thực hiện bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng quản trị, điều hành tổ chức hành nghề luật sư.

- Tổ chức kiểm tra và chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra tập sự hành nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư 2006 và hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

- Tổng kết, trao đổi kinh nghiệm hành nghề luật sư trong cả nước; tổ chức bình chọn, vinh danh luật sư, tổ chức hành nghề luật sư có uy tín, có nhiều cống hiến trong hoạt động nghề nghiệp.

- Quy định mẫu trang phục luật sư tham gia phiên tòa, mẫu giấy đề nghị gia nhập Đoàn luật sư; mẫu Thẻ luật sư, việc cấp, đổi, thu hồi Thẻ luật sư; hướng dẫn việc thực hiện rà soát, đánh giá hàng năm chất lượng đội ngũ luật sư.

- Quy định việc miễn, giảm thù lao, việc giải quyết tranh chấp liên quan đến thù lao, chi phí của luật sư.

- Quy định khung phí tập sự hành nghề luật sư, khung phí gia nhập Đoàn luật sư, phí thành viên.

- Hướng dẫn và giám sát thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý của luật sư.

- Cho ý kiến về đề án tổ chức đại hội, phương án xây dựng nhân sự Ban chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn luật sư; chỉ đạo đại hội của Đoàn luật sư.

- Đình chỉ thi hành và yêu cầu sửa đổi nghị quyết, quyết định, quy định của Đoàn luật sư trái với Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ thi hành và yêu cầu sửa đổi nghị quyết, quyết định, quy định của Đoàn luật sư trái với quy định của pháp luật.

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.

- Tập hợp, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đóng góp, kiến nghị của luật sư.

- Tham gia xây dựng pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về luật sư.

- Phối hợp với Bộ Tư pháp chuẩn bị và báo cáo cơ quan có thẩm quyền về đề án tổ chức đại hội, phương án nhân sự bầu các chức danh lãnh đạo của Liên đoàn luật sư Việt Nam.

- Báo cáo Bộ Tư pháp về tổ chức, hoạt động của luật sư trong phạm vi toàn quốc và tổ chức, hoạt động của Liên đoàn luật sư Việt Nam, kết quả đại hội của Liên đoàn luật sư Việt Nam; báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi được yêu cầu; gửi Bộ Tư pháp nghị quyết, quyết định, quy định của Liên đoàn luật sư Việt Nam.

- Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam.

3. Các cơ quan của Liên đoàn luật sư Việt Nam

Các cơ quan của Liên đoàn luật sư Việt Nam gồm có:

- Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Liên đoàn luật sư Việt Nam;

- Hội đồng luật sư toàn quốc là cơ quan lãnh đạo của Liên đoàn luật sư Việt Nam giữa hai kỳ Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc;

- Ban thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam là cơ quan điều hành công việc của Liên đoàn luật sư Việt Nam giữa hai kỳ họp của Hội đồng luật sư toàn quốc;

- Các cơ quan khác do Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam quy định.

Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan của Liên đoàn luật sư Việt Nam do Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam quy định.

(Điều 66 Luật Luật sư 2006 sửa đổi 2012)

4. Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam

Căn cứ quy định của Luật Luật sư 2006 và pháp luật về hội, Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc thông qua Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam. Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam được áp dụng thống nhất đối với Liên đoàn luật sư Việt Nam và các Đoàn luật sư.

Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam gồm những nội dung chính sau đây:

- Tôn chỉ, mục đích và biểu tượng của Liên đoàn luật sư Việt Nam;

- Quyền, nghĩa vụ của thành viên Liên đoàn luật sư Việt Nam;

- Mối quan hệ giữa Liên đoàn luật sư Việt Nam và Đoàn luật sư;

- Thủ tục gia nhập Đoàn luật sư, rút tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư, chuyển Đoàn luật sư của luật sư;

- Nghĩa vụ trợ giúp pháp lý của luật sư;

- Mẫu trang phục luật sư tham gia phiên tòa; mẫu Thẻ luật sư, việc cấp, đổi, thu hồi Thẻ luật sư;

- Nhiệm kỳ, cơ cấu tổ chức, thể thức bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan của Liên đoàn luật sư Việt Nam, Đoàn luật sư; mối quan hệ phối hợp giữa các Đoàn luật sư trong việc quản lý luật sư và tổ chức hành nghề luật sư;

- Cơ cấu, số lượng đại biểu, nhiệm vụ, quyền hạn của Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc, Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu luật sư của Đoàn luật sư; trình tự, thủ tục tiến hành đại hội của Liên đoàn luật sư Việt Nam, Đoàn luật sư;

- Việc ban hành nội quy của Đoàn luật sư;

- Tài chính của Liên đoàn luật sư Việt Nam, Đoàn luật sư;

- Khen thưởng, kỷ luật luật sư và giải quyết khiếu nại, tố cáo;

- Nghĩa vụ báo cáo về tổ chức và hoạt động của Liên đoàn luật sư Việt Nam, Đoàn luật sư;

- Quan hệ với cơ quan, tổ chức khác.

Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày được thông qua, Hội đồng luật sư toàn quốc gửi Bộ Tư pháp Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam để xem xét phê duyệt. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày được phê duyệt.

(Điều 67 Luật Luật sư 2006 sửa đổi 2012)

Hồ Quốc Tuấn

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

1097 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;