Giám định tư pháp là gì? Quyền và nghĩa vụ của chủ thể trong giám định tư pháp

Giám định tư pháp là gì? Quyền và nghĩa vụ của chủ thể trong giám định tư pháp
Nguyễn Thị Diễm My

Giám định tư pháp là gì? Những chủ thể trong hoạt động giám định tư pháp có quyền và nghĩa vụ gì? – Hoàng Minh (Hà Tĩnh)

Giám định tư pháp là gì? Quyền và nghĩa vụ của chủ thể trong giám định tư pháp

Giám định tư pháp là gì? Quyền và nghĩa vụ của chủ thể trong giám định tư pháp (Hình từ internet)

1. Giám định tư pháp là gì?

Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp.

(Khoản 1 Điều 2 Luật Giám định tư pháp 2012, được sửa đổi 2020)

2. Quyền và nghĩa vụ của chủ thể trong giám định tư pháp

2.1. Quyền, nghĩa vụ của người trưng cầu giám định tư pháp

- Người trưng cầu giám định có quyền:

+ Trưng cầu cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật Giám định tư pháp 2012 thực hiện giám định;

+ Yêu cầu cá nhân, tổ chức quy định tại điểm a khoản 1 Điều này trả kết luận giám định đúng nội dung và thời hạn đã yêu cầu;

+ Yêu cầu cá nhân, tổ chức đã thực hiện giám định tư pháp giải thích kết luận giám định.

- Người trưng cầu giám định có nghĩa vụ:

+ Xác định rõ nội dung, lĩnh vực hoặc chuyên ngành cần giám định trong vụ án, vụ việc đang giải quyết; lựa chọn cá nhân, tổ chức có năng lực, đủ điều kiện thực hiện giám định phù hợp với tính chất, nội dung cần giám định để ra quyết định trưng cầu giám định;

+ Ra quyết định trưng cầu giám định bằng văn bản;

+ Cung cấp kịp thời, đầy đủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin, tài liệu, mẫu vật có liên quan đến đối tượng, nội dung cần giám định theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp;

+ Tạm ứng, thanh toán kịp thời, đầy đủ chi phí giám định tư pháp;

+ Thực hiện hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để bảo vệ người giám định tư pháp hoặc người thân thích của người giám định tư pháp khi có căn cứ xác định tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người giám định tư pháp hoặc người thân thích của người giám định tư pháp bị đe dọa do việc thực hiện giám định tư pháp, tham gia vụ án, vụ việc với tư cách là người giám định tư pháp.

(Điều 21 Luật Giám định tư pháp 2012, được sửa đổi 2020)

2.2. Quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu giám định tư pháp

- Người yêu cầu giám định có quyền gửi văn bản yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu cầu thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu trưng cầu giám định, phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản.

Hết thời hạn nói trên hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.

- Người yêu cầu giám định có quyền:

+ Yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp trả kết luận giám định đúng thời hạn đã thỏa thuận và theo nội dung đã yêu cầu;

+ Yêu cầu cá nhân, tổ chức đã thực hiện giám định tư pháp giải thích kết luận giám định;

+ Đề nghị Tòa án triệu tập người giám định tư pháp đã thực hiện giám định tham gia phiên tòa để giải thích, trình bày về kết luận giám định;

+ Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định lại; yêu cầu giám định bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Giám định tư pháp 2012.

- Người yêu cầu giám định tư pháp có nghĩa vụ:

+ Cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định theo yêu cầu của người giám định tư pháp và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu do mình cung cấp;

+ Nộp tạm ứng chi phí giám định tư pháp khi yêu cầu giám định; thanh toán kịp thời, đầy đủ chi phí giám định cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định khi nhận kết luận giám định.

+ Người yêu cầu giám định chỉ được thực hiện quyền tự yêu cầu giám định trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.

(Điều 22 Luật Giám định tư pháp 2012, được sửa đổi 2020)

2.3. Quyền, nghĩa vụ của người giám định tư pháp khi thực hiện giám định tư pháp

- Người giám định tư pháp có quyền:

+ Lựa chọn phương pháp cần thiết, phù hợp để tiến hành giám định theo nội dung yêu cầu giám định;

+ Sử dụng kết quả thực nghiệm, xét nghiệm bổ sung hoặc kết luận chuyên môn do cá nhân, tổ chức khác thực hiện nhằm phục vụ cho việc giám định;

+ Độc lập đưa ra kết luận giám định.

+ Đề nghị người trưng cầu giám định hoặc cơ quan có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ theo quy định của pháp luật khi có dấu hiệu bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của bản thân hoặc người thân thích do việc thực hiện giám định tư pháp, tham gia vụ án, vụ việc với tư cách là người giám định tư pháp;

+ Từ chối thực hiện giám định tư pháp trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật Giám định tư pháp 2012;

+ Được bố trí vị trí phù hợp khi tham gia tố tụng tại phiên tòa.

- Người giám định tư pháp có nghĩa vụ:

+ Tuân thủ các nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp;

+ Thực hiện giám định theo đúng nội dung yêu cầu giám định;

+ Thực hiện và trả kết luận giám định đúng thời hạn yêu cầu; trong trường hợp cần thiết phải có thêm thời gian để thực hiện giám định thì phải thông báo kịp thời cho người trưng cầu, yêu cầu giám định biết;

+ Lập hồ sơ giám định;

+ Bảo quản mẫu vật giám định, tài liệu liên quan đến vụ việc giám định;

+ Không được thông báo kết quả giám định cho người khác, trừ trường hợp được người đã trưng cầu, yêu cầu giám định đồng ý bằng văn bản;

+ Chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận giám định do mình đưa ra. Trường hợp cố ý đưa ra kết luận giám định sai sự thật gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức thì còn phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

- Ngoài các quyền, nghĩa vụ trên, người giám định tư pháp có quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về tố tụng.

(Điều 23 Luật Giám định tư pháp 2012, được sửa đổi 2020)

2.4. Quyền, nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp

- Tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp có quyền:

+ Yêu cầu người trưng cầu, người yêu cầu giám định cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, mẫu vật cần thiết cho việc giám định;

+ Từ chối tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp trong trường hợp:

++ Nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định không phù hợp với phạm vi chuyên môn hoặc không có đủ năng lực, điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định;

++ Đối tượng giám định, tài liệu liên quan được cung cấp không đầy đủ hoặc không có giá trị để kết luận giám định tư pháp sau khi đã đề nghị người trưng cầu, người yêu cầu giám định bổ sung, làm rõ nhưng không được đáp ứng;

++ Thời gian không đủ để thực hiện giám định;

++ Tính độc lập, khách quan của việc thực hiện giám định không được bảo đảm;

+ Được nhận tạm ứng chi phí giám định tư pháp khi nhận trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp; được thanh toán kịp thời, đầy đủ chi phí giám định tư pháp khi trả kết quả giám định.

- Tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp có nghĩa vụ:

+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp, phải phân công người có trình độ chuyên môn, khả năng nghiệp vụ phù hợp với nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định, chịu trách nhiệm về năng lực chuyên môn của người đó và thông báo cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định, trừ trường hợp pháp luật quy định thời hạn ngắn hơn.

Người đứng đầu tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc việc tổ chức thực hiện giám định, trường hợp cần có từ 02 người trở lên thực hiện vụ việc giám định thì phải phân công người chịu trách nhiệm điều phối việc thực hiện giám định;

+ Bảo đảm thời gian, trang thiết bị, phương tiện và các điều kiện cần thiết khác cho việc thực hiện giám định.

Trong quá trình thực hiện giám định, nếu có nội dung mới hoặc vấn đề khác phát sinh thì cá nhân, tổ chức thực hiện giám định phải thông báo ngay bằng văn bản cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định biết để thống nhất phương án giải quyết;

+ Bồi thường thiệt hại trong trường hợp người thực hiện giám định do mình phân công cố ý kết luận giám định sai, gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức;

+ Trường hợp từ chối tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp thì phải thông báo cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu, yêu cầu giám định, trừ trường hợp pháp luật quy định thời hạn ngắn hơn;

+ Chịu trách nhiệm về kết luận giám định tư pháp do mình đưa ra.

(Điều 24 Luật Giám định tư pháp 2012, được sửa đổi 2020)

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

2326 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;