Căn cứ kiểm tra việc thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính được quy định như thế nào? - Quốc Hùng (Long An)
Căn cứ kiểm tra việc thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Căn cứ kiểm tra việc thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính theo Điều 5 Nghị định 19/2020/NĐ-CP như sau:
- Phương thức kiểm tra định kỳ, theo địa bàn, chuyên đề hoặc theo ngành, lĩnh vực được tiến hành trên cơ sở kế hoạch kiểm tra hằng năm, khi có một trong các căn cứ sau đây:
+ Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ;
+ Theo đề nghị của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện;
+ Theo đề nghị của tổ chức pháp chế thuộc bộ, cơ quan ngang bộ trên cơ sở theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
+ Theo đề nghị của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp trên cơ sở theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
+ Theo yêu cầu quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính;
+ Việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý liên ngành đang có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập hoặc đối với vụ việc phức tạp.
- Phương thức kiểm tra đột xuất được tiến hành trên cơ sở yêu cầu quản lý và tình hình thực tế, khi có một trong các căn cứ sau đây:
+ Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ;
+ Khi nhận được yêu cầu, kiến nghị của cá nhân, tổ chức hoặc có phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng về việc áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính chưa chính xác, có dấu hiệu xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức;
+ Khi phát hiện vướng mắc hoặc dấu hiệu vi phạm trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ, tài liệu do cơ quan, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính gửi đến hoặc đang được lưu trữ, bảo quản theo quy định;
+ Qua theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính phát hiện có dấu hiệu vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Thẩm quyền kiểm tra việc thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính theo Điều 6 Nghị định 19/2020/NĐ-CP như sau:
- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 1, khoản 2 Điều 5 Nghị định 19/2020/NĐ-CP trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý của mình.
Đối với vụ việc quy định tại điểm e khoản 1 Điều 5 Nghị định 19/2020/NĐ-CP mà có tính chất phức tạp, mang tính liên ngành, trong phạm vi toàn quốc, thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cơ quan có trách nhiệm chủ trì thực hiện việc kiểm tra.
Tổ chức pháp chế thuộc bộ, cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện việc kiểm tra.
- Bộ trưởng Bộ Tư pháp kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 19/2020/NĐ-CP.
Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật thuộc Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện việc kiểm tra.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ và e khoản 1, khoản 2 Điều 5 Nghị định 19/2020/NĐ-CP trong phạm vi địa bàn quản lý của mình.
Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng phòng Tư pháp chịu trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện việc kiểm tra.
- Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thực hiện việc kiểm tra đối với các trường hợp quy định tại các điểm đ và e khoản 1, khoản 2 Điều 5 Nghị định 19/2020/NĐ-CP.
Tổ chức pháp chế hoặc tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đương thuộc cơ quan, đơn vị quản lý người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính giúp Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thực hiện việc kiểm tra.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |