Trong lĩnh vực ngân sách nhà nước, những hành vi nào bị nghiêm cấm? Căn cứ lập dự toán ngân sách nhà nước là gì? - Ngọc Lam (Bình Thuận)
12 hành vi bị cấm trong lĩnh vực ngân sách nhà nước (Hình từ Internet)
Về vấn đề này LawNet giải đáp như sau:
Theo Điều 18 Luật Ngân sách nhà nước 2015, các hành vi bị cấm trong lĩnh vực ngân sách nhà nước bao gồm:
(1) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc thiếu trách nhiệm làm thiệt hại đến nguồn thu ngân sách nhà nước.
(2) Thu sai quy định của các luật thuế và quy định khác của pháp luật về thu ngân sách; phân chia sai quy định nguồn thu giữa ngân sách các cấp; giữ lại nguồn thu của ngân sách nhà nước sai chế độ; tự đặt ra các khoản thu trái với quy định của pháp luật.
(3) Chi không có dự toán, trừ trường hợp quy định tại Điều 51 Luật Ngân sách nhà nước 2015; chi không đúng dự toán ngân sách được giao; chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi, không đúng mục đích; tự đặt ra các khoản chi trái với quy định của pháp luật.
(4) Quyết định đầu tư chương trình, dự án có sử dụng vốn ngân sách không đúng thẩm quyền, không xác định rõ nguồn vốn để thực hiện.
(5) Thực hiện vay trái với quy định của pháp luật; vay vượt quá khả năng cân đối của ngân sách.
(6) Sử dụng ngân sách nhà nước để cho vay, tạm ứng, góp vốn trái với quy định của pháp luật.
(7) Trì hoãn việc chi ngân sách khi đã bảo đảm các điều kiện chi theo quy định của pháp luật.
(8) Hạch toán sai chế độ kế toán nhà nước và mục lục ngân sách nhà nước.
(9) Lập, trình dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước chậm so với thời hạn quy định.
(10) Phê chuẩn, duyệt quyết toán ngân sách nhà nước sai quy định của pháp luật
(11) Xuất quỹ ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước mà khoản chi đó không có trong dự toán đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định, trừ trường hợp tạm cấp ngân sách và ứng trước dự toán ngân sách năm sau quy định tại Điều 51 và Điều 57 Luật Ngân sách nhà nước 2015.
(12) Các hành vi bị cấm khác trong lĩnh vực ngân sách nhà nước theo quy định của các luật có liên quan.
Điều 41 Luật Ngân sách nhà nước 2015, căn cứ lập dự toán ngân sách nhà nước hằng năm quy định như sau:
- Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bình đẳng giới.
- Nhiệm vụ cụ thể của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan, tổ chức khác ở trung ương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương.
- Quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí và chế độ thu ngân sách nhà nước; định mức phân bổ ngân sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách nhà nước.
- Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia đối với các khoản thu phân chia và mức bổ sung cân đối ngân sách của ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới.
- Văn bản pháp luật của các cấp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm sau.
- Kế hoạch tài chính 05 năm, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm, kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước.
- Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm trước.
- Số kiểm tra dự toán thu, chi ngân sách thông báo cho các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan.
Nguyễn Như Mai
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |