Thông tư 19/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 03/5/2021, theo đó quy định cụ thể về các loại chứng từ điện tử trong giao dịch thuế điện tử.
Các loại chứng từ điện tử trong giao dịch thuế điện tử (Ảnh minh họa)
Cụ thể, theo Khoản 1, Điều 6 Thông tư 19/2021/TT-BTC, chứng từ điện tử trong giao dịch thuế điện tử gồm có:
1. Hồ sơ thuế điện tử: hồ sơ đăng ký thuế; hồ sơ khai thuế; xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế; tra soát thông tin nộp thuế; thủ tục bù trừ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa; hồ sơ hoàn thuế; hồ sơ miễn giảm thuế; miễn tiền chậm nộp; không tính tiền chậm nộp; hồ sơ khoanh tiền thuế nợ; hồ sơ xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; gia hạn nộp thuế; nộp dần tiền thuế nợ và các hồ sơ, văn bản khác về thuế dưới dạng điện tử được quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý thuế.
Hiện nay, Thông tư 110/2015/TT-BTC (hết hiệu lực từ 03/5/2021) chỉ nêu hồ sơ thuế điện tử gồm hồ sơ đăng ký thuế, hồ sơ khai thuế, hồ sơ hoàn thuế và các hồ sơ, báo cáo khác về thuế dưới dạng điện tử được quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý thuế (điểm a Khoản 1 Điều 7).
2. Chứng từ nộp NSNN điện tử: chứng từ nộp NSNN theo quy định tại Nghị định 11/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 16/3/2020) về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà dưới dạng điện tử.
Lưu ý rằng, trường hợp nộp thuế qua hình thức nộp thuế điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thì chứng từ nộp NSNN là chứng từ giao dịch của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải đảm bảo đủ các thông tin trên mẫu chứng từ nộp NSNN.
Trong khi đó, tại điểm b Khoản 1 Điều 7 Thông tư 110/2015/TT-BTC quy định chứng từ nộp thuế điện tử: giấy nộp tiền hoặc chứng từ nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo quy định của Bộ Tài chính dưới dạng điện tử, trừ trường hợp nộp thuế qua hình thức nộp thuế điện tử của ngân hàng.
3. Các thông báo, quyết định, văn bản khác của cơ quan thuế dưới dạng điện tử (hiện nay là các văn bản, thông báo khác của cơ quan thuế, người nộp thuế dưới dạng điện tử).
Đặc biệt, cần lưu ý, các chứng từ điện tử đã nêu trên phải được ký điện tử theo quy định tại Điều 7 Thông tư 19/2021/TT-BTC. Trường hợp hồ sơ thuế điện tử có các tài liệu kèm theo ở dạng chứng từ giấy phải được chuyển đổi sang dạng điện tử theo quy định tại Luật Giao dịch điện tử, Nghị định 165/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 10/02/2019) và phải đảm bảo các định dạng, tiêu chuẩn kỹ thuật dữ liệu theo quy định của pháp luật hiện hành.
Ngoài ra, Thông tư 19/2021/TT-BTC cũng quy định về sửa đổi, lưu trữ chứng từ điện tử. Theo đó, việc lưu trữ chứng từ điện tử trong lĩnh vực thuế được thực hiện theo thời hạn do pháp luật quy định như đối với chứng từ giấy, phù hợp với môi trường, điều kiện lưu trữ điện tử, các quy định có liên quan của pháp luật về lưu trữ và bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật Giao dịch điện tử. Trường hợp chứng từ điện tử hết thời hạn lưu trữ theo quy định nhưng có liên quan đến tính toàn vẹn về thông tin của hệ thống và các chứng từ điện tử đang lưu hành, thì phải tiếp tục được lưu trữ, cho đến khi việc hủy chứng từ điện tử hoàn toàn không ảnh hưởng đến các giao dịch điện tử khác thì mới được tiêu hủy (theo Khoản 5 Điều 6 Thông tư 19/2021/TT-BTC).
- Từ khóa:
- Thông tư 19/2021/TT-BTC