Điểm tin văn bản nổi bật nhất tuần qua

Trong tuần vừa qua (từ ngày 06/11 - 11/11/2017) Thư Ký Luật đã cập nhật được một số văn bản mới. Đáng chú ý là các văn bản thuộc các lĩnh vực kế toán, hình sự,... như:

 

  1. Hướng dẫn sửa chữa sổ kế toán trong năm tài chính

Bộ Tài chính ban hành Thông tư 107/2017/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp.

Theo đó, các bút toán đã ghi sổ thuộc năm tài chính, ngân sách năm N, nếu có sai sót hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thì điều chỉnh số liệu theo phương pháp quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 27 Luật Kế toán. Cụ thể:

  • Ghi cải chính bằng cách gạch một đường thẳng vào chỗ sai và ghi số hoặc chữ đúng ở phía trên và phải có chữ ký của kế toán trưởng bên cạnh; 
  • Ghi số âm bằng cách ghi lại số sai bằng mực đỏ hoặc ghi lại số sai trong dấu ngoặc đơn, sau đó ghi lại số đúng và phải có chữ ký của kế toán trưởng bên cạnh; 
  • Ghi điều chỉnh bằng cách lập “chứng từ điều chỉnh” và ghi thêm số chênh lệch cho đúng

Thông tư 107/2017/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 24/11/2017 và chính thức áp dụng từ ngày 01/01/2018.

  1. Chế độ mặc và trang bị tư trang cho người bị tạm giữ, tạm giam

Nghị định 120/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số Điều của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam. Theo đó, quy định chế độ mặc và tư trang của người bị tạm giữ, tạm giam như sau:

  • Tiêu chuẩn cơ sở giam giữ cho mượn (nếu thiếu): 01 chiếu, 01 màn cá nhân, 01 đôi dép, 02 bộ quần áo dài, 01 áo ấm mùa đông và 01 chăn;
  • Người bị tạm giữ được cấp 01 bàn chải đánh răng, kem đánh răng loại thường không quá 20g, 01 khăn rửa mặt;
  • Người bị tạm giam được cấp 01 bàn chải đánh răng, kem đánh răng loại thường không quá 100g/02 tháng, 01 khăn rửa mặt/04 tháng, 0,3 kg xà phòng giặt/tháng;
  • Người bị tạm giữ, tạm giam là phụ nữ được cấp thêm đồ dùng vệ sinh của phụ nữ giá trị tương đương 02 kg gạo tẻ loại trung bình/tháng;
  • Mẫu quần áo thống nhất: Áo kiểu bludong dài tay, quần dài có chun, không đóng số, màu xanh lam.

Nghị định 120/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

  1. Thêm nhiều trường hợp chuyển mục đích SDĐ không phải xin phép

Thông tư 33/2017/TT-BTNMT (có hiệu lực từ ngày 05/12/2017) sửa đổi, bổ sung Thông tư 02/2015/TT-BTNMT quy định chi tiết một số điều của Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Nghị định 44/2014/NĐ-CP.

Theo đó, quy định mới về các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng phải đăng ký biến động, gồm:

  • Chuyển đất trồng cây hàng năm sang đất nông nghiệp khác gồm:
    • Đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt;
    • Đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác;
    • Nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm;
  • Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất nuôi trồng thủy sản sang trồng cây lâu năm;
  • Chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng cây hàng năm;
  • Chuyển đất ở sang đất phi nông nghiệp không phải là đất ở;
  • Chuyển đất thương mại, dịch vụ sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ hoặc đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp sang đất xây dựng công trình sự nghiệp.

  1.  Phạt đến 70 triệu nếu vận chuyển chất ô xy hóa khi chưa có giấy phép

Đây là mức phạt được quy định tại Nghị định 119/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Theo đó, phạt tiền từ 30 - 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:

  • Vận chuyển hàng nguy hiểm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép;
  • Sử dụng giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm đã hết hiệu lực;
  • Vận chuyển hàng nguy hiểm ngoài nội dung giấy phép đã được cấp;
  • Sử dụng phương tiện vận chuyển, đóng gói, ghi nhãn hàng nguy hiểm không đúng quy định;
  • Không cung cấp tài liệu về hoạt động vận chuyển hàng nguy hiểm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
  • Không thông báo bằng văn bản cho người tham gia vận chuyển nội dung liên quan đến quá trình vận chuyển hàng nguy hiểm;
  • Không thông báo cho cơ quan quản lý môi trường để phối hợp xử lý khi có sự cố hóa chất trong quá trình vận chuyển hàng nguy hiểm;
  • Không báo cáo về quá trình vận chuyển hàng nguy hiểm;
  • Không khắc phục vi phạm. 

Nghị định 119/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/12/2017.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

698 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;