-
Các căn cứ để điều chỉnh quy hoạch theo Luật Quy hoạch
Ngày 24/11/2017 Quốc hội chính thức thông qua Luật Quy hoạch 2017 (có hiệu lực từ 01/01/2019) quy định về việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia; trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch.
Theo Luật, việc điều chỉnh quy hoạch được thực hiện khi có một trong các căn cứ sau đây:
- Có sự điều chỉnh mục tiêu của chiến lược phát triển KTXH, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực làm thay đổi mục tiêu của quy hoạch;
- Có sự điều chỉnh của quy hoạch cao hơn làm thay đổi nội dung quy hoạch hoặc có sự mâu thuẫn với quy hoạch cùng cấp;
- Có sự thay đổi, điều chỉnh địa giới hành chính làm ảnh hưởng đến tính chất, quy mô không gian lãnh thổ của quy hoạch;
- Do tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, chiến tranh làm thay đổi mục tiêu, định hướng, tổ chức không gian lãnh thổ của quy hoạch;
- Do biến động bất thường của tình hình KTXH làm hạn chế nguồn lực thực hiện quy hoạch;
- Do sự phát triển của khoa học, công nghệ làm thay đổi cơ bản việc thực hiện quy hoạch;
- Do yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh.
-
Luật Thủy sản 2017 quy định về kiểm ngư
Kiểm ngư là khái niệm mới được nhắc đến tại Luật Thủy sản 2017 đã được Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 21/11/2017, thay thế cho Luật Thủy sản 2003.
Theo Luật, kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, thực hiện chức năng thực thi pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cụ thể là các nhiệm vụ như:
- Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, điều tra, xử lý các vi phạm pháp luật, áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm theo quy định pháp luật;
- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế, pháp luật các nước có liên quan trong lĩnh vực thủy sản; hướng dẫn ngư dân và tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về thủy sản;
- Điều động lực lượng phối hợp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; tham gia công tác phòng, chống thiên tai;
- Tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển theo quy định của pháp luật;
- ...
Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.
-
Luật Lâm nghiệp 2017 nghiêm cấm thực hiện 09 hành vi sau
Luật Lâm nghiệp 2017 chính thức có hiệu lực áp dụng từ ngày 01/01/2019 nghiêm cấm thực hiện các hành vi vi phạm sau trong hoạt động lâm nghiệp:
- Chặt, phá, khai thác, lấn, chiếm rừng trái quy định;
- Đưa chất thải, hóa chất độc, chất nổ, chất cháy, chất dễ cháy, công cụ, phương tiện vào rừng trái quy định; chăn, dắt, thả gia súc, vật nuôi vào phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, rừng mới trồng;
- Săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng, thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng trái quy định của pháp luật;
- Hủy hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, công trình bảo vệ và phát triển rừng;
- Vi phạm quy định về PCCC rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng; quản lý các loài ngoại lai xâm hại; dịch vụ môi trường rừng;
- Tàng trữ, mua bán, vận chuyển,... lâm sản trái quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên;
- Khai thác tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên khoáng sản, môi trường rừng trái quy định của pháp luật; xây dựng, đào, bới, đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên và các hoạt động khác trái quy định của pháp luật làm thay đổi cấu trúc cảnh quan tự nhiên của hệ sinh thái rừng;
- Giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng trái quy định của pháp luật; cho phép khai thác, vận chuyển lâm sản trái quy định của pháp luật; chuyển đổi diện tích rừng, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng trái quy định của pháp luật; phân biệt đối xử về tôn giáo, tín ngưỡng và giới trong giao rừng, cho thuê rừng;
- Sử dụng nguyên liệu trong chế biến lâm sản trái quy định pháp luật.
-
Sửa đổi nội dung của 11 Luật liên quan đến Quy hoạch từ 01/01/2019
Ngày 15/6/2018 Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch. Cụ thể là các Luật sau:
- Luật An toàn thực phẩm;
- Luật Công chứng;
- Luật Dược;
- Luật Đầu tư;
- Luật Đầu tư công;
- Luật Điện lực;
- Luật Hóa chất;
- Luật Khoa học và công nghệ;
- Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá;
- Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
- Luật Trẻ em.
Chi tiết nội dung được sửa đổi, bổ sung xem tại qua Luật sửa đổi, bổ sung 11 Luật có liên quan đến quy hoạch có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.
-
Sửa đổi nhiều điều, khoản của Luật xây dựng từ 01/01/2019
Ngày 20/11/2018 Quốc hội tiếp tục thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật liên quan đến quy hoạch như: Luật đất đai, Luật xây dựng, Luật Giao thông đường bộ,…
Nổi bật có Luật xây dựng được sửa đổi, bổ sung một số điều từ ngày 01/01/2019 như sau:
- Điều 37 về quy hoạch xây dựng;
- Mục 2 Chương II về quy hoạch xây dựng vùng;
- Điều 24 về đối tượng và trách nhiệm lập quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù;
- Điều 34 về thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng;
- Điều 35 về điều kiện điều chỉnh quy hoạch xây dựng
>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY
Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của
LawNet.
Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn