Tổng cục Thống kê vừa có Quyết định 719/QĐ-TCTK đưa ra phương án điều tra lao động việc làm năm 2017 ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Việc tiến hành điều tra lao động việc làm là nhằm thu thập các thông tin cơ bản về thị trường lao động, từ đó đưa ra các chỉ tiêu thống kê liên quan đến lao động, việc làm, thất nghiệp và thu nhập của chính người lao động, giúp cho các cấp, các ngành đánh giá, dự báo tình hình biến động của thị trường lao động trên phạm vi cả nước cũng như có thể đưa ra chiến lược phát triển nguồn nhân lực phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội.
Theo phương án đưa ra, đối tượng điều tra là nhân khẩu thực tế thường trú từ 15 tuổi trở lên của hộ dân cư. Đối tượng điều tra bao gồm cả những người thuộc lực lượng vũ trang là nhân khẩu thực tế thường trú của hộ; không bao gồm những người thuộc lực lượng vũ trang sống trong các khu doanh trại.
Hoạt động điều tra tiến hành dựa trên đơn vị điều tra là hộ dân cư, bao gồm một người ăn riêng, ở riêng hoặc một nhóm người ăn chung và ở chung. Họ có thể có hoặc không có quan hệ ruột thịt, hôn nhân, nuôi dưỡng; có hoặc không có quỹ thu chi chung. Trong đó, chủ hộ (hoặc bất kỳ người nào có am hiểu về các thành viên trong hộ khi chủ hộ đi vắng) sẽ là người cung cấp thông tin về nhân khẩu thực tế thường trú của hộ; các nhân khẩu từ 15 tuổi trở lên sống tại Việt Nam là người cung cấp thông tin về tình trạng hoạt động kinh tế của họ.
Phương án xác định thời điểm điều tra là thời điểm để xác định nhân khẩu thực tế thường trú của hộ là 0 giờ ngày 01 hàng tháng. Thời kỳ điều tra (tham chiếu) là 07 ngày trước thời điểm điều tra, ngoại trừ trường hợp tìm kiếm việc làm thì thời gian tham chiếu là 30 ngày trước thời điểm điều tra. Và thời gian thu thập thông tin tại địa bàn là 07 ngày (kể cả thời gian di chuyển), bắt đầu từ ngày 01 của tháng điều tra.
Cùng với thông tin định danh, nội dung Điều tra lao động việc làm năm 2017 bao gồm thông tin về nhân khẩu học của các thành viên trong hộ và thông tin về lao động việc làm của các thành viên từ 15 tuổi trở lên trong hộ, cụ thể:
- Thông tin về các thành viên là nhân khẩu thực tế thường trú của hộ (để lọc ra nhóm đối tượng điều tra chính), gồm:
- Họ và tên của từng người thực tế thường trú trong hộ;
- Mối quan hệ với chủ hộ;
- Giới tính;
- Tháng, năm sinh hoặc tuổi tròn theo dương lịch;
- Đối với những người từ 15 tuổi trở lên và đang cư trú ở nước ngoài; quốc gia đang cư trú, lý do cư trú và thời gian đã cư trú liên tục;
- Đối với những người từ 15 tuổi trở lên và đang cư trú ở Việt Nam: tình trạng hoạt động kinh tế.
- Khi điều tra đối tượng điều tra chính là thành viên hộ từ 15 tuổi trở lên và đang sống tại Việt Nam, cần xác định:
- Tình trạng hôn nhân;
- Tình trạng và lý do di chuyển;
- Trình độ học vấn/giáo dục phổ thông cao nhất;
- Trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nhất;
- Phân loại tình trạng hoạt động kinh tế;
- Công việc chính trong 7 ngày qua;
- Công việc trước khi tạm nghỉ;
- Số giờ làm việc, tiền công nhận được;
- Tình trạng thiếu việc làm;
- Tình trạng thất nghiệp hoặc không hoạt động kinh tế;
- Đối với người có việc làm tạm thời, thất nghiệp hoặc không hoạt động kinh tế: chuyên ngành đào tạo và thời gian tốt nghiệp.
Ngoài ra, năm 2017 sẽ bổ sung điều tra thử nghiệm áp dụng tiêu chuẩn khái niệm mới của ILO về việc làm nhằm ước tính mức độ khác biệt của các chỉ tiêu lao động việc làm khi áp dụng tiêu chuẩn mới so với tiêu chuẩn cũ.
Phương thức điều tra tiến hành thông qua phiếu điều tra (phiếu hỏi). Trong đó:
- Phiếu 01.CT/ĐTLĐVL-2017: Sử dụng cho Điều tra lao động việc làm chính thức năm 2017. Nội dung điều tra được thiết kế trên một tập phiếu điều tra, gồm thông tin của hộ và thông tin của các cá nhân từ 15 tuổi trở lên hiện sống tại Việt Nam (các câu hỏi về lao động, việc làm).
- Phiếu 02.TN/ĐTLĐVL-2017: Sử dụng cho Điều tra lao động việc làm thử nghiệm năm 2017. Nội dung điều tra được thiết kế trên một tập phiếu điều tra, gồm thông tin của hộ và thông tin của các cá nhân từ 15 tuổi trở lên hiện sống tại Việt Nam (các câu hỏi về lao động, việc làm). Ngoài ra, phiếu còn có thêm một số thông tin khác như việc làm trong nông nghiệp, vị thế việc làm, thời gian chờ việc... nhằm thí điểm áp dụng theo khung lý thuyết/tiêu chuẩn mới do ILO khuyến nghị. Hàng tháng, mỗi tỉnh/thành phố sẽ tiến hành điều tra thử nghiệm tại ít nhất 01 địa bàn riêng biệt so với điều tra chính thức.
Các danh mục sử dụng trong điều tra bao gồm:
- Danh mục các đơn vị hành chính Việt Nam ban hành theo Quyết định 124/2004/QĐ-TTg ngày 08/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ và những thay đổi đã được Tổng cục Thống kê cập nhật đến thời điểm điều tra;
- Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam 2007 ban hành theo Quyết định 10/2007/QĐ-TTg ngày 23/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ;
- Danh mục nghề nghiệp ban hành theo Quyết định 1019/QĐ-TCTK ngày 12/11/2008 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.
Xem chi tiết Bảng kế hoạch tiến hành điều tra tại Quyết định 719/QĐ-TCTK ngày 24/10/2016.