Chị Nguyễn Thanh T có gửi đến Thư Ký Luật thắc mắc như sau: Công ty em là công ty cổ phần, chủ tịch HĐQT là người nước ngoài. Như vậy, em có phải xin giấy phép lao động cho chủ tịch HĐQT không? Nếu không phải xin giấy phép thì em có phải làm thủ tục gì không?
Ảnh minh họa
Về vấn đề của chị T, Ban biên tập THƯ KÝ LUẬT xin trả lời như sau:
Theo quy định hiện hành thì trong trường hợp này chị T không cần phải xin giấy phép lao động cho chủ tịch HĐQT của công ty. Cụ thể, Khoản 2 Điều 172 Bộ luật Lao động 2012 quy định như sau:
Điều 172. Công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động
…
2. Là thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần.
…
Theo đó, chị T sẽ phải làm thủ tục xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đề nghị xác nhận
Hồ sơ đề nghị thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định 11/2016/NĐ-CP, trong trường hợp này gốm các giấy tờ sau:
-
Văn bản đề nghị xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động;
-
Các giấy tờ để chứng minh người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động (cụ thể trong trường hợp này là Quyết định bầu Chủ tịch HĐQT và Biên bản cuộc họp HĐQT);
-
Giấy tờ chứng minh người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động là 01 bản chụp kèm theo bản gốc để đối chiếu hoặc 01 bản sao có chứng thực, nếu của nước ngoài thì miễn hợp pháp hóa lãnh sự, nhưng phải dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Bước 2: Nộp hồ sơ đề nghị tại Sở LĐTBXH
Người sử dụng lao động đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người nước ngoài dự kiến làm việc xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động trước ít nhất 07 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài bắt đầu làm việc.
Bước 3: Trả kết quả
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản xác nhận gửi người sử dụng lao động. Trường hợp không xác nhận thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Lưu ý: Việc để người đó làm việc nhưng không có giấy xác nhận không thuộc trường hợp xin giấy phép lao động sẽ bị phạt từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 31 Nghị định 28/2020/NĐ-CP.
Lan Anh