Trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo về chính sách trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiến hành xây dựng dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực này.
Thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính 2012; Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; Luật đê điều; Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 139/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; Đê điều; Phòng, chống lụt bão.
Nghị định 139 sau khi được ban hành triển khai và thực hiện đã đạt được một số mặt tích cực trong việc góp phần nâng cao ý thức của người dân; góp phần phòng ngừa, đấu tranh đối với các vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống lụt, bão; góp phần bảo đảm trật tự, kỷ cương trong hoạt động quản lý nhà nước về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều và phòng, chống lụt, bão. Tuy nhiên, Nghị định cũng bộc lộ một số những hạn chế, bất cập như: Một số hành vi quy định chung chung, chưa cụ thể, dẫn đến cách hiểu chưa thống nhất, gây khó khăn cho người xử phạt; một số hành vi mức phạt còn thấp, chưa đảm bảo tính răn đe dẫn đến tình trạng vi phạm xảy ra nhiều lần; một số hành vi quy định không còn phù hợp với các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay… dẫn đến số vụ vi phạm được xử lý triệt để còn hạn chế, tình trạng vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều ngày càng phổ biến.
Sau thời điểm Nghị định 139 được áp dụng vào thực tiễn thì Luật Phòng, chống thiên tai được ban hành và có hiệu lực áp dụng từ ngày 01/5/2014, đồng thời Pháp lệnh Phòng, chống lụt bão hết hiệu lực, sau đó các văn bản hướng dẫn cho Luật phòng chống thiên tai lần lượt ra đời điều chỉnh nhiều quy định mới và có phạm vi rộng hơn. Như vậy, để phù hợp với những văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành và khắc phục những hạn chế, bất cập của Nghị định 139 thì việc xây dựng Nghị định mới quy định xử phạt vi phạm hành chính về Phòng, chống thiên tai, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều là cần thiết để đáp ứng yêu cầu công tác quản lý và thể hiện sự nhất quán trong chính sách xử lý hành chính của Nhà nước.
Hình ảnh minh họa
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiến hành lấy ý kiến xây dựng cho dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều. Trước mắt dự kiến Dự thảo Nghị định có 6 Chương, 35 Điều, bao gồm nội dung cơ bản sau:
Chương I: Quy định chung (Giữ nguyên các quy định của Nghị định 139/2013/NĐ-CP)
- Phạm vi điều chỉnh
- Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính
- Hình thức xử phạt vi phạm và biện pháp khắc phục hậu quả
- Quy định mức phạt tiền
Chương II: Quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai
Theo tình hình thực hiện Nghị định số 139/2013/NĐ-CP và căn cứ Luật phòng, chống thiên tai và các văn bản pháp luật liên quan, tiến hành sửa đổi, bổ sung một số hành vi phù hợp như:
- Nhóm hành vi vi phạm về làm hư hại, cản trở sự vận hành của công trình phòng, chống thiên tai;
- Vi phạm trong triển khai ứng phó thiên tai;
- Vi phạm quy định về cứu hộ, cứu nạn trong phòng, chống thiên tai;
- Vi phạm trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai;
- Vi phạm về việc đầu tư xây dựng;
- Vi phạm về xây dựng, thực hiện phương án ứng phó thiên tai;
- Vi phạm về đóng góp vào Quỹ phòng, chống thiên tai;
- Vi phạm về hoạt động không đúng nội dung đã đăng ký tham gia hoạt động phòng, chống thiên tai của tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam.
Chương III: Quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi
Tiến hành sửa đổi, bổ sung hành vi, biện pháp xử phạt để bảo đảm tính răn đe và tính khả thi trong thực tiễn. Cụ thể:
- Quy định chi tiết hơn đối với hành vi vi phạm trong việc xả nước thải vào công trình thủy lợi;
- Tăng mức phạt đối với một số hành vi có hậu quả nghiêm trọng do các tổ chức vi phạm;
- Điều chỉnh các nhóm hành vi vi phạm gây cản trở dòng chảy của công trình thủy lợi;
- …
Chương IV: Quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt trong lĩnh vực đê điều
- Bổ sung hành vi Rào, trồng cây trái phép lên mái đê, thân đê;
- Đào, cuốc, xới, rẫy cỏ, gieo trồng các loại cây hoa màu, cây lâu năm trên đê; trồng cây lâu năm trong hành lang bảo vệ đê;
- Đào, bạt, xẻ mặt đê, mái đê, chân đê; chiếm dụng, sử dụng, di chuyển trái phép hoặc làm hư hỏng công trình phụ trợ đê điều.
- …
Chương V: Quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính
Rà soát các quy định về thẩm quyền xử phạt hành chính Nghị định 139/2013/NĐ-CP và bổ sung thẩm quyền xử phạt và lập biên bản vi phạm hành chính của lực lượng Kiểm ngư.
Quy định cụ thể về thẩm quyền của cơ quan chức năng:
- Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp;
- Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Thanh tra và Thủ trưởng cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; Đê điều;
- Thẩm quyền của Kiểm ngư;
- Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Thanh tra và Thủ trưởng cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành về phòng, chống thiên tai;
- Thẩm quyền của Công an nhân dân;
- Thẩm quyền của Bộ đội biên phòng;
- Thẩm quyền của Cảnh sát biển;
- Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính.
Chương VI: Điều khoản thi hành
- Hiệu lực thi hành;
- Trách nhiệm thi hành.
Đáng chú ý ở Dự thảo Nghị định là việc xây dựng hình thức xử phạt hành chính cho các hành vi vi phạm. Cụ thể theo dự thảo, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống thiên tai là 50 triệu đồng. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều là 100 triệu đồng. Dự thảo cũng nêu rõ mức phạt tiền đề xuất là mức phạt đối với cá nhân; đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
- Từ khóa:
- Dự thảo nghị định