Những điểm mới trong một số văn bản Luật có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2014

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua: Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày 26/11/2013 và Luật Tiếp công dân ngày 25/11/2013. Hai luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2014.​


* Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 được bố cục thành 5 chương gồm 80 Điều, trong đó quy định việc thực hành tiết kiệm trong các lĩnh vực tập trung tại chương II gồm 8 mục và 56 điều. Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 có nhiều nội dung mới so với Luật năm 2005:

Phạm vi điều chỉnh: (1) Thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước; (2) Thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên; (3) Thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. So với Luật năm 2005, Luật năm 2013 có điểm mới  là việc điều chỉnh đối với khu vực ngoài nhà nước bao gồm doanh nghiệp và nhân dân, nhằm xác định trách nhiệm có tính chất xã hội trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của doanh nghiệp và người dân mà không nhất thiết phải bằng chế tài như đối với khu vực nhà nước.

Đối tượng áp dụng tương ứng với phạm vi điều chỉnh gồm: (1) Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động trong khu vực nhà nước; (2) Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên; (3) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Luật năm 2013 bổ sung, làm rõ nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên từ chủ chương, đường lối, cơ chế chính sách đến tổ chức thực hiện gắn với kiểm tra, giám sát (Khoản 1 Điều 4); thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải gắn với cải cách hành chính và bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, không để ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị (khoản 3 Điều 4); bổ sung quy định công khai kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và kết quản xử lý hành vi lãng phí tại Điểm g Khoản 2 Điều 5.

Công khai về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Luật năm 2013 đã bổ sung việc quy định xác định công khai trong quản lý ngân sách nhà nước, vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và các nguồn tài nguyên là biện pháp để bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (Khoản 1 Điều 5)

Căn cứ quan trọng để xem xét, đánh giá thực hành tiết kiệm, chống lãng phí một cách khách quan và phát huy hiệu quả, Luật năm 2013 đã có những quy định mới về hệ thống định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Theo đó, Luật quy định ba nhóm định mức, tiêu chuẩn, chế độ; các nguyên tắc ban hành định mức, tiêu chuẩn, chế độ; trách nhiệm ban hành, thực hiện kiểm tra việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ (Điều 11). Luật năm 2013 cũng quy định các hành vi vi phạm trong ban hành, thực hiện, kiểm tra định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Các hành vi đó là: Ban hành định mức, tiêu chuẩn, chế độ trái nguyên tắc; thực hiện vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ; không tổ chức kiểm tra thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; không xử lý hoặc báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kịp thời đối với trường hợp thực hiện không đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ và các chế tài đối với các hành vi vi phạm.

Việc phát hiện lãng phí và trách nhiệm xử lý thông tin phát hiện lãng phí là điểm mới quan trọng của Luật năm 2013 tạo cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát hiện và cung cấp kịp thời các thông tin về lãng phí góp phần ngăn chặn lãng phí cũng như để xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc để xảy ra lãng phí. Thông tin phát hiện lãng phí dưới mọi hình thức phải được người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi có lãng phí xem xét, xử lý, khắc phục kịp thời và thực hiện việc giải trình về việc để xảy ra lãng phí (Điều 9).

Về hành vi gây lãng phí: Luật năm 2013 đã bổ sung quy định về hành vi gây lãng phí tương đối đầy đủ và toàn diện. Hành vi này được quy định chi tiết trong một số lĩnh vực như: lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ và giao dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước; quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước (Điều 27); hành vi gây lãng phí trong mua sắm, trang bị, quản lý, sử dụng phương tiện đi lại, phương tiện, thiết bị làm việc và phương tiện thông tin, liên lạc (Điều 32); hành vi gây lãng phí trong đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng (Điều 45). Đây là những quy định giúp nhận diện hành vi gây lãng phí thuận lợi hơn, đưa công tác chống lãng phí đi vào thực chất và hiệu quả.

Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và của cán bộ công chức, viên chức: Luật năm 2013 đã bổ sung trách nhiệm giải trình trước về việc xảy ra lãng phí trong cơ quan, tổ chức mình (Khoản 3 Điều 7); giải trình và chịu trách nhiệm cá nhân về việc để xảy ra lãng phí thuộc phạm vi quản lý, sử dụng của cán bộ, công chức, viên chức (khoản 2 Điều 8). Đồng thời cơ quan, tổ chức, cá nhân, người đứng đầu có hành vi vi phạm, để xảy ra lãng phí ngoài trách nhiệm giải trình còn có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trách nhiệm liên đới cũng được đặt ra với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên nếu để xảy ra lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới và trong đơn vị cấp phó của mình trực tiếp phụ trách (Điều 78).

Để khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hành tiết kiệm, tham gia phát hiện lãng phí, Luật năm 2013 quy định việc khen thưởng và nguồn khen thưởng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong THTK, tham gia phát hiện lãng phí, chống lãng phí (Khoản 2 Điều 77). Đồng thời, Luật cũng quy định cụ thể các trường hợp phải xử lý vi phạm và bồi thường thiệt hại (Điều 78)

* Luật Tiếp công dân năm 2013 gồm 9 chương, 36 điều. Luật quy định về trách nhiệm tiếp công dân, quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; Việc tổ chức hoạt động tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị và điều kiện bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân.

Tại chương III quy định rõ việc tiếp công dân của các chức danh Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân ở cấp mình ít nhất 01 ngày trong 01 tháng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện ít nhất 02 ngày trong 01 tháng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã ít nhất 01 ngày trong 01 tuần…. và đều thực hiện việc tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp quy định tại khoản 3, Điều 18 của Luật này. Đối với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Ví dụ như Sở Tài chính) bố trí công chức thuộc Thanh tra cơ quan làm công tác tiếp công dân.

Theo quy định tại Điều 18, Người đứng đầu cơ quan trong việc tiếp công dân có trách nhiệm:(1) Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công tác tiếp công dân của cơ quan mình: (a) Ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân; (b) Bố trí địa điểm thuận lợi cho việc tiếp công dân; bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ việc tiếp công dân; (c) Phân công cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân thường xuyên; (d) Phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tiếp công dân và xử lý việc nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung; (e) Kiểm tra, đôn đốc cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có trách nhiệm thuộc quyền quản lý của mình thực hiện các quy định của pháp luật trong việc tiếp công dân; (f) Có trách nhiệm bảo đảm an toàn, trật tự cho hoạt động tiếp công dân; (g) Báo cáo tình hình, kết quả công tác tiếp công dân với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; (2) Trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân ít nhất 01 ngày trong 01 tháng tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan mình; (3) Thực hiện tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp sau đây: (a) Vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau; (b)Vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Khi tiếp công dân, người đứng đầu cơ quan phải có ý kiến trả lời về việc giải quyết vụ việc cho công dân. Trường hợp chưa trả lời ngay được thì chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý của mình kịp thời xem xét, giải quyết và thông báo thời gian trả lời cho công dân.

Luật Tiếp công dân ra đời đã xây dựng một hành lang pháp lý tương đối hoàn chỉnh về tổ chức và tiếp công dân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, để từ đó nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành cũng như những người có trách nhiệm khác trong việc tiếp dân, góp phần giải quyết chặt chẽ các vấn đề của dân đảm bảo công khai, dân chủ.

Nguồn: Sở Tài chính tỉnh Quảng Ngãi

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
500 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;