Ngày 31/12/2016 Bộ Tư pháp đã ký ban hành Quyết định 2700/QĐ-BTP phê duyệt và công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2016 của ngành Tư pháp.
Theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Bình xét các sự kiện nổi bật hàng năm của Ngành Tư pháp, Bộ Tư pháp quyết định phê duyệt 10 sự kiện sau:
Một là, thông qua Luật tiếp cận thông tin 2016:
Quốc hội thông qua Luật tiếp cận thông tin 2016 vào ngày 06/4/2016. Đây là dấu mốc quan trọng, là sự kiện pháp lý hiện thực hóa quyền tiếp cận thông tin đã được ghi nhận trong các bản Hiến pháp trước đây của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013.
Luật tiếp cận thông tin có hiệu lực từ 01/7/2018 là cơ hội để mọi công dân được quyền phát huy tính dân chủ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, góp phần bảo đảm bình đẳng, công bằng trong xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về thông tin của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước.
Luật tiếp cận thông tin góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, nâng cao tri thức và sự tham gia của công dân vào hoạt động quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho việc thực hiện vai trò giám sát của tổ chức, cá nhân và các cơ quan chức năng đối với các cơ quan nhà nước, qua đó góp phần thực thi pháp luật hiệu quả.
Hai là, thông qua Luật đấu giá tài sản 2016:
Ngày 17/11/2016, Quốc hội thông qua Luật đấu giá tài sản, tạo dấu mốc lịch sử quan trọng trong hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản, góp phần đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Luật đấu giá tài sản có nhiều nội dung mới mang tính đột phá, tạo cơ chế xử lý tài sản của cá nhân, tổ chức, Nhà nước bảo đảm hiệu quả, khách quan, minh bạch; tạo cơ sở để nâng cao hơn nữa chất lượng, tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, bảo đảm đầy đủ trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản đối với Nhà nước, cá nhân, tổ chức.
Luật đấu giá tài sản quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, góp phần hạn chế tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá trong hoạt động đấu giá tài sản, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước.
Ba là, công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật có bước tiến mới, tích cực:
Trong công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2016, thực hiện chủ trương đổi mới công tác thẩm định VBQPPL, toàn Ngành Tư pháp đã tổ chức thẩm định 11.885 dự thảo VBQPPL, trong đó Bộ Tư pháp thẩm định 291 dự thảo.
Đặc biệt, để triển khai Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp, Bộ Tư pháp đã thẩm định chùm 50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh, trong đó đã xem xét kỹ lưỡng về sự phù hợp, tính cần thiết của các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh; khả năng thay thế các điều kiện đó bằng một số điều kiện ít hạn chế hơn quyền tự do đầu tư kinh doanh, rà soát lại nhiều thủ tục hành chính, cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép không cần thiết, tiết kiệm tối đa chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ thẩm định các VBQPPL, nhất là các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, Bộ Tư pháp đã phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ tích cực, chủ động đôn đốc các Bộ, ngành thực hiện việc xây dựng văn bản, qua đó góp phần giảm nợ đọng văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây.
Bốn là, hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu nhiệm vụ của hệ thống thi hành án dân sự
Năm 2016, lần đầu tiên Hệ thống thi hành án dân sự đã hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu nhiệm vụ thi hành án trong bối cảnh số việc và tiền thụ lý mới tăng cao nhất từ trước đến nay. Đã thi hành xong 530.428 việc, đạt tỉ lệ 78,53% trên tổng số việc có điều kiện thi hành, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao 8,53% và trên 29.097 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 33,74% trên tổng số tiền có điều kiện thi hành, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao 3,74%, giảm số việc, tiền có điều kiện thi hành nhưng chưa thi hành xong phải chuyển kỳ sau.
Việc này càng có ý nghĩa hơn bởi đây là năm Hệ thống Thi hành án dân sự kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống (19/7/1946- 19/7/2016). Cũng nhân dịp này, đồng chí Trần Ðại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương đã đến dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Thi hành án dân sự và có phát biểu quan trọng biểu dương những kết quả, thành tích mà các thế hệ các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Hệ thống thi hành án dân sự đạt được và trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tổng cục Thi hành án dân sự.
Năm là, hưởng ứng tích cực các hoạt động, phong trào nhân Ngày Pháp luật Việt Nam
Để đổi mới nội dung, hình thức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể trung ương và 63 địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai và tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III. Hội thi được tổ chức sâu rộng trong cả nước dưới hình thức sân khấu hóa với 03 phần thi lý thuyết, xử lý tình huống, tiểu phẩm và đã thu hút hơn 11.400 hòa giải viên tham gia dự thi và hàng triệu lượt khán giả theo dõi.
Hội thi đã mang lại hiệu ứng xã hội tích cực, trở thành đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng; góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật cho đông đảo các tầng lớp nhân dân và cán bộ, công chức, viên chức.
Sáu là, tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích
Ngày 19/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 45/2016/QĐ-TTg về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính; thực hiện chủ trương và các chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thông qua dịch vụ bưu chính công ích này, tổ chức, cá nhân không phải trực tiếp mang hồ sơ, tài liệu, giấy tờ đến cơ quan hành chính nhà nước để nộp và chờ nhận kết quả ngay tại cơ quan đó, giúp tiết kiệm thời gian, công sức của người dân, tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội.
Việc giao dịch qua dịch vụ bưu chính công ích phần nào giảm áp lực đối với các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; giảm cơ hội phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực của công chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng cải cách hành chính công trong giai đoạn mới của đất nước.
Bảy là, triển khai Phần mềm đăng ký khai sinh điện tử và cấp Số định danh cá nhân
Triển khai thi hành Luật hộ tịch và cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, đảm bảo đồng bộ với các quy định của Luật căn cước công dân, từ ngày 01/01/2016, Bộ Tư pháp, phối hợp với Bộ Công an, đã triển khai và từng bước mở rộng triển khai, áp dụng chính thức Phần mềm đăng ký khai sinh điện tử và cấp Số định danh cá nhân tại Bộ Tư pháp và 12 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Nghệ An, Sóc Trăng và Vĩnh Long. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Ngành Tư pháp, Bộ Tư pháp triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại cả 04 cấp chính quyền; là tiền đề cơ bản để triển khai cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch trên toàn quốc, đảm bảo sự thành công của việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hướng tới đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến giấy tờ công dân, đáp ứng các mục tiêu của Đề án 896 mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.
Tính đến ngày 30/12/2016, toàn hệ thống đã ghi nhận hơn 378.676 trường hợp đăng ký khai sinh với gần 303.968 trường hợp đăng ký mới được cấp Số định danh cá nhân.
Tám là, chuẩn tiếp cận pháp luật trở thành nội dung trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới
Ngày 17/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1980/QĐ-TTg về Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, theo đó, tiếp cận pháp luật được xác định là một trong các nội dung của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 có 95% số xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Bộ Tư pháp được giao chủ trì, hướng dẫn thực hiện đánh giá, công nhận, xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 (kèm theo Quyết định 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016).
Chín là, Việt Nam gia nhập Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp, Tổ chức quốc tế về Luật Phát triển (IDLO) và tổ chức thành công Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào mở rộng lần thứ ba
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, năm 2016, với sự tham mưu của Bộ Tư pháp, Việt Nam đã gia nhập Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại và đã chính thức trở thành quốc gia thành viên của Tổ chức quốc tế về Luật Phát triển (IDLO), đánh dấu bước phát triển mới trong tiến trình hội nhập quốc tế nói chung, thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tham gia cùng với cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững của Liên hợp quốc; đồng thời mở ra cơ hội để các cơ quan pháp luật và tư pháp của Việt Nam tiếp cận với các hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm quốc tế để phục vụ việc hoàn thiện thể chế, pháp luật quốc gia.
Trên bình diện song phương, việc tổ chức Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào mở rộng lần thứ ba với việc ký kết nhiều Thỏa thuận hợp tác về tư pháp, thi hành án dân sự giữa các địa phương hai nước; đặc biệt là Thỏa thuận về đẩy mạnh hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực pháp luật và tư pháp cho các địa phương của Lào. Theo đó, Trường Trung cấp Luật Đồng Hới tiếp nhận hơn 300 học viên Lào để đào tạo.
Mười là, đóng góp quan trọng của Trường Đại học Luật Hà Nội cho sự nghiệp cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
Nhân dịp kỷ niệm 37 năm ngày thành lập Trường Đại học Luật Hà Nội và chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày 09/11/2016, gần 80 đại biểu Quốc hội khóa XIV, những người đã từng giảng dạy, công tác, học tập tại Trường Đại học Luật Hà Nội đã hội tụ, giao lưu với các thế hệ giảng viên, sinh viên của Trường. Trong đó, nhiều đồng chí là Lãnh đạo cấp cao, được Đảng, Nhà nước giao giữ những vị trí quan trọng như Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng và nhiều đồng chí là lãnh đạo các Bộ, ngành, các cơ quan của Quốc hội và địa phương.
Đây là dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa Nhà trường nói riêng và Bộ, ngành Tư pháp nói chung với các hoạt động của Quốc hội và các vị Đại biểu Quốc hội; góp phần lan tỏa tinh thần, phong cách, hình ảnh của cựu sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội đến đông đảo các thế hệ sinh viên đã và đang học tập tại trường; gắn kết hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của trường với thực tiễn và hoạt động lập pháp của Quốc hội.