Thời gian gần đây, tình trạng hát karaoke gây ồn ào đối với môi trường xung quanh, nhất là từ các loa kéo di động diễn ra ở khắp nơi. Nhiều vụ việc đã xảy ra xuất phát từ tiếng ồn ở khu dân cư, dẫn đến cãi nhau, đánh nhau, thậm chí gây ra án mạng đáng tiếc. Vậy hành vi hát Karaoke gây ra tiếng ồn sẽ bị xử lý theo chế tài nào?
Hát karaoke gây ồn ào: Xử phạt thế nào? (Ảnh minh họa)
1. Quy định xử phạt hành vi hát karaoke gây ồn ào trong khu dân cư
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi gây ra tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Như vậy, đối với hành vi hát karaoke gây ồn ào tại khu dân cư trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau sẽ bị phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Ngoài ra, hành vi sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt gây ra tiếng ồn lớn, vượt quá giới hạn cho phép tại khu dân cư cũng có thể bị xử phạt theo Điều 17 Nghị định 155/2016/NĐ-CP phụ thuộc vào mức dBA tiếng ồn vượt quá bao nhiêu so với quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn, quy định tại Thông tư 39/2010/TT-BTNMT quy định quy chuẩn quốc gia về môi trường. Theo đó, giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực thông thường (gồm: khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính) khoảng từ 6 giờ đến 21 giờ là 70 dBA, từ 21 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau là 55 dBA. Người vi phạm khi có hành vi gây tiếng ồn vượt qua tiêu chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn sẽ bị phạt theo các mức phạt sau:
-
Phạt cảnh cáo đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 02 dBA;
-
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 02 dBA đến dưới 05 dBA;
-
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 05 dBA đến dưới 10 dBA;
-
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 15 dBA;
-
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 15 dBA đến dưới 20 dBA;
-
Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 20 dBA đến dưới 25 dBA;
-
Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 25 dBA đến dưới 30 dBA;
-
Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 30 dBA đến dưới 35 dBA;
-
Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 35 dBA đến dưới 40 dBA;
-
Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn trên 40 dBA.
Cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật hoặc buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm tiếng ồn. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại bởi hành vi này có thể yêu cầu chủ thể gây ô nhiễm tiếng ồn phải bồi thường theo quy định pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi theo quy định tại Điều 602 Bộ luật Dân sự 2015.
2. Thực trạng xử lý các trường hợp hát karaoke gây ồn ào trong khu dân cư
Có thể thấy, về quy định pháp luật, hành vi hát karaoke gây tiếng ồn lớn có thể bị xử phạt với mức tiền lên đến 160.000.000 đồng, tuy nhiên thực tiễn cho thấy việc áp dụng hình thức xử phạt với mức trên đối với hành vi này là rất khó.
Thực tế, khi người dân phản ảnh tình trạng hát karaoke gây ồn ào sau 22 giờ thì các trưởng khu phố, cảnh sát khu vực sẽ nhanh chóng có mặt và khuyến cáo giải tán, trả lại sự yên tĩnh cho người xung quanh. Tuy nhiên, nếu là ban ngày thì gần như không thể xử lý được, thậm chí trước 22 giờ cũng không có cơ sở xử lý hành chính mà chỉ vận động, hòa giải.
Thêm nữa, để xử lý hành vi gây tiếng ồn vượt mức theo Điều 17 Nghị định 155/2016/NĐ-CP thì phải tiến hành đo đạc để xác định độ ồn của âm thanh trong từng trường hợp cụ thể. Nhưng để đo độ ồn âm thanh (đơn vị đo là dBA) thì hiện các địa phương không có thiết bị chuyên dùng nên không có cơ sở để xử phạt cho hợp tình hợp lý, nếu không khéo sẽ bị khiếu kiện ngược lại.
Xuất phát từ thực tế đó, để giải quyết cốt lõi, có hiệu quả vấn đề hát karaoke gây ồn ào trong khu dân cư, cơ quan chức năng có thẩm quyền cần nâng cao ý thức, giáo dục người dân đối với cộng đồng, xã hội. Chính quyền địa phương các cấp cần tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến mọi công dân trong từng khu dân cư, tổ dân phố, xóm ngõ vì sự bình yên chung. Bên cạnh đó, trong thẩm quyền, nhiệm vụ của mình, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với các cá nhân, tổ chức như nhà hàng, quán karaoke, những người mua bán, sử dụng loa gây ồn nếu vi phạm.
Mặt khác, cần sửa đổi bổ sung chế tài phạt hành chính cao hơn nữa đối với hành vi gây ra tiếng ồn lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng để những người có hành vi vi phạm phải nhận thức được vấn đề mà từ đó không vi phạm nữa. Đồng thời, việc tăng mạnh mức phạt còn góp phần tăng thêm ngân sách quốc gia và phù hợp với quy định hiện hành về xử phạt tiếng ồn trong môi trường của các quốc gia khác trên thế giới.
- Từ khóa:
- Nghị định 167/2013/NĐ-CP