Vài ý kiến góp ý dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước 2015 ( Bản dự thảo lần thứ 12)

So với các dự thảo trước, dự thảo lần thứ 12, Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) đã có nhiều tiến bộ. Nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu QH, các chuyên gia đã được Ban soạn thảo tiếp thu. Nhiều nội dung được đưa vào các dự thảo trước đây nhằm mục đích tạo cho Kiểm toán nhà nước (KTNN) là một cơ quan "siêu quyền lực" đã được lược bỏ. Kết cấu của văn bản luật và kỹ thuật văn bản tương đối tốt.

Tuy nhiên, để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng của Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) khi được Quốc hội thông qua, xin được nêu một số vấn đề cần nghiên cứu, trao đổi thêm như sau:

Quy định về hoạt động của KTNN còn rất mờ nhạt

Dự thảo dành quá nhiều quy định về tổ chức bộ máy của KTNN, nhưng lại quy định rất mờ nhạt về hoạt động của KTNN. Điều đó thể hiện ở chỗ,  quy định về tổ chức và những nội dung liên quan trực tiếp tới tổ chức (bao gồm cả chức danh, nhân sự, nhiệm vụ, quyền hạn,bảo đảm hoạt động, trách nhiệm,...) từ điều 9 đến điều 32 với 7 trang, điều 39 đến điều 46 với 3 trang, điều 62 đến điều 71 với 1,5 trang, (cộng là 42 điều với 11,5 trang), trong khi đó, quy định về nội dung hoạt động kiểm toán nhà nước từ điều 33 đến điều 38 (6 điều) với 1,5 trang, quy định về thủ tục hành chính kiềm toán nhà nước từ điều 47 đến điều 57 (11 điều) với 2,5 trang. Tỷ lệ đó cho thấy đây được hiểu là Dự thảo Luật về tổ chức và hoạt động (nội bộ) của Kiểm toán nhà nước trong khi nếu là Luật kiểm toán nhà nước thì mọi đối tượng (ngoại trừ tổ chức Kiểm toán nhà nước) từ Lập pháp, Hành pháp, Tổ chức được kiểm toán  đều muốn được biết rõ ràng cụ thể về Nội dung hoạt động kiểm toán nhà nước và kiểm toán nhà nước  khác với nội dung hoạt động kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập như thế nào.

Về trách nhiệm, nghĩa vụ của KTNN quy định chưa đầy đủ.

Dự thảo nặng về xác định quyền của KTNN hơn là trách nhiệm và nghĩa vụ của Tổ chức này, thể hiện: Quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ của Kiểm toán nhà nước chỉ quy định cho chức danh Tổng kiểm toán cùng các chức danh mang tính nội bộ mà chưa  có quy định trách nhiệm và nghĩa vụ của Tổ chức kiểm toán nhà nước đối với Toàn dân, Quốc hội và đối với Tổ chức được kiểm toán. Trong khi trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm cả Quốc hôi, Chính phủ, … và tổ chức được kiểm toán đối với Tổ chức kiểm toán nhà nước  lại được quy định tương đối đầy đủ rõ ràng. Điều này cho thấy việc soạn tháo Luật này là soạn thảo cho Tổ chức kiểm toán nhà nước chứ không phải soạn thảo cho Quốc hội, đại diện cho toàn dân để ban hành  luật chung có thể công bằng khách quan với mọi đối tượng khi tham gia các hành vi được luật điều chỉnh.

Cần xác định rõ hơn tính chất hoạt động của KTNN

Khoản 1 Điều 118 Hiến pháp năm 2013 quy định: "1. Kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công".

Quy định nêu trên xác định rõ địa vị pháp lý của KTNN, song  chưa chỉ rõ tính chất hoạt động của KTNN. Rõ ràng, KTNN không phải là cơ quan quản lý nhà nước như các Bộ, cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ. KTNN cũng không hoàn toàn giống các Uỷ ban chuyên trách của Quốc hội.

Khi chưa làm rõ được vấn đề quan trọng nêu trên, sẽ chưa có căn cứ để xác định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN. Chẳng hạn, do không phải là cơ quan quản lý nhà nước như các Bộ, cơ quan ngang Bộ nên KTNN không được ban hành những văn bản quy phạm pháp luật và từ đó, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng KTNN cũng khác với nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ trưởng....

Điều 13 Luật KTNN 2005 quy định: "Kiểm toán Nhà nước là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật".

Đề nghị kế thừa quy định tại Điều 13 Luật KTNN 2005 nêu trên để khẳng định KTNN là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước, giúp việc và tư vấn cho Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong việc thực hiện quyền giám sát tối cao về tài chính Nhà nước.

Về giá trị pháp lý của Báo cáo kiểm toán

Khoản 1 Điều 7 dự thảo Luật quy định: "1. Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về các sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và là căn cứ để khiếu nại và giải quyết khiếu nại".

Có những vấn đề sau đây cần nghiên cứu, trao đổi thêm về quy định tại khoản 1 Điều 7 nêu trên:

a) Báo cáo kiểm toán của KTNN có phải là văn bản quy phạm pháp luật không? Câu trả lời là không vì KTNN không phải là cơ quan quản lý nhà nước như các Bộ, cơ quan ngang Bộ như đã trình bày trên.

b). Theo khoản 1 Điều 7 dự thảo Luật, KTNN đã thực hiện quyền của một cơ quan hành pháp và cơ quan tòa án với từ bắt buộc với phạm trù sai phạm kèm theo, nhưng điều không hợp lý là những sai phạm đó mới là nhận định, đánh giá đơn phương của một tổ chức chuyên môn, chưa phải kết luận một cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy, chỉ có thể là bắt buộc sau khi cơ quan hành pháp (Bộ chuyên ngành quản lý nhà nước, bộ công an, tòa án) xác định đó là sai phạm, còn nếu không là phải tự xem xét để thực hiện đúng trước khi vấn đề được chuyển tới cơ quan chuyên ngành.

c). Báo cáo kiểm toán của KTNN do cơ quan nào kiểm tra, phê duyệt? Kiểm toán là lĩnh vực chuyên môn sâu. Vì vậy, rất có thể xẩy ra tình trạng lấy lý do "chuyên môn, nghiệp vụ" để đưa ra những kết luận không hợp lý, gây thiệt hại cho đối tượng được kiểm toán.

Từ phân tích trên xin đề nghị sửa lại khoản 1 Điều 7 dự thảo Luật như sau: "1. Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, sau khi được Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn, có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về các sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và là căn cứ để khiếu nại và giải quyết khiếu nại".

Về các đơn vị được kiểm toán

Khoản 10 Điều 58 dự thảo Luật quy định một trong những đơn vị phải thực hiện kiểm toán bởi KTNN như sau:  "Doanh nghiệp có quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước. Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định lựa chọn mục tiêu, tiêu chí, nội dung và phương pháp kiểm toán phù hợp hoặc Kiểm toán nhà nước thẩm tra kết quả kiểm toán nội bộ của doanh nghiệp, tổ chức kiểm toán độc lập".

Đề nghị chỉnh sửa cho rõ hơn như sau: "Doanh nghiệp100% vốn nhà nước và doanh nghiệp do nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ...".

Lý do: Nếu KTNN kiểm toán  cả những DN mà nhà nước chỉ chiếm tỷ lệ thấp trong vốn điều lệ sẽ là sự lãng phí tiền của NSNN. Hơn nữa,  những DN nhà nước nắm dưới 50% vốn điều lệ nên để cho Kiểm toán độc lập thực hiện và KTNN kiểm tra lại (nếu xét thấy cần thiết) như quy định trong dự thảo sẽ có hiệu quả hơn.

Nguồn: vica.org.vn

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
376 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;