Gần đây, tôi thấy một vài bài báo đưa tin, từ 01/7/2020, lực lượng cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ nếu vòi tiền người vi phạm thì sẽ bị buộc thôi việc? Quy định này liệu có đúng hay không? Đây là câu hỏi của anh Hồ Tấn Cường gửi Thư Ký Luật nhờ hỗ trợ ngày 28/2/2020.
Ảnh minh họa
Ban biên tập THƯ KÝ LUẬT xin giải đáp vấn đề này của anh Cường như sau:
Theo quy định tại Điều 29 Nghị định 19/2020/NĐ-CP, từ ngày 01/7/2020, công chức, viên chức có một trong các hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính sau đây sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc:
-
Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính;
-
Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính;
-
Chống đối, cản trở người làm nhiệm vụ kiểm tra, đe dọa, trù dập người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan kiểm tra, đoàn kiểm tra, gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra;
-
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử lý vi phạm hành chính.
Như vậy, có thể thấy, theo quy định trên, từ ngày 01/7/2020, bất cứ công chức, viên chức nào khi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà có hành vi sách nhiễu, vòi tiền, tài sản của người vi phạm thì sẽ bị buộc thôi việc.
Tuy nhiên, quy định tại Nghị định 19 chỉ áp dụng đối với người có thẩm quyền xử phạt và lập biên bản vi phạm hành chính là công chức, viên chức, còn đối với lực lượng vũ trang nhân dân (bao gồm cảnh sát, công an, cơ yếu) sẽ không áp dụng quy định này mà sẽ có quy định riêng. Cụ thể, Khoản 3 Điều 30 Nghị định 19 nêu rõ:
3. Việc xử lý kỷ luật đối với người có thẩm quyền xử phạt và lập biên bản vi phạm hành chính thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu trên cơ sở yêu cầu, kiến nghị tại kết luận kiểm tra được thực hiện theo quy định pháp luật có liên quan, trừ những người trong cơ quan, đơn vị Quân đội nhưng không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng; những người trong cơ quan, đơn vị Công an nhưng không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an; những người trong tổ chức cơ yếu nhưng không làm công tác cơ yếu thì được thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
Như vậy, lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó bao gồm cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông,... sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 19, do đó, quy định về việc sẽ buộc thôi việc nếu vòi tiền người vi phạm cũng sẽ không áp dụng đối với các đối tượng này. Việc xử lý kỷ luật đối với cảnh sát giao thông và lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân sẽ thực hiện theo quy định riêng.
Nguyễn Trinh