Các trường hợp tạm dừng khai thác đường cao tốc

Xin hỏi trường hợp nào thì tạm dừng khai thác đường cao tốc? Điều kiện đường cao tốc được đưa vào sử dụng là gì? - Hoàng Nam (Nha Trang)

Các trường hợp tạm dừng khai thác đường cao tốc

Các trường hợp tạm dừng khai thác đường cao tốc (Hình ảnh từ Internet)

Điều kiện đường cao tốc được đưa vào sử dụng

Đường cao tốc được đưa vào khai thác sử dụng khi đáp ứng các quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 32/2014/NĐ-CP sửa đổi bổ sung tại Nghị định 25/2023/NĐ-CP như sau:

- Đã được nghiệm thu hoàn thành xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng;

- Phương án tổ chức giao thông đã được duyệt;

- Có quy trình vận hành khai thác đối với các hạng mục, thiết bị quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 32/2014/NĐ-CP sửa đổi bổ sung tại Nghị định 25/2023/NĐ-CP.

Quy trình vận hành khai thác các hạng mục công trình và thiết bị

Theo Nghị định 25/2023/NĐ-CP thì các hạng mục công trình và thiết bị phải có quy trình vận hành khai thác như sau:

- Công trình hầm trên đường cao tốc có sử dụng các thiết bị thông gió, lọc bụi, kiểm soát môi trường, phòng cháy, chữa cháy, hệ thống điện và các thiết bị khác phục vụ khai thác sử dụng;

- Trung tâm quản lý, điều hành giao thông quốc gia; Trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến;

- Các thiết bị lắp đặt vào công trình đường cao tốc gồm: thiết bị nhận dạng phương tiện giao thông, cân tải trọng, kiểm soát giao thông, quan trắc công trình, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, thiết bị phục vụ cứu nạn, cứu hộ;

- Các trường hợp cần thiết khác do chủ đầu tư, người quản lý sử dụng đường cao tốc quyết định.

Tạm dừng khai thác đường cao tốc

Căn cứ theo khoản 2 Điều 11 Nghị định 32/2014/NĐ-CP sửa đổi bổ sung tại Nghị định 25/2023/NĐ-CP thì tạm dừng khai thác đường cao tốc là trường hợp tạm không sử dụng cho các phương tiện giao thông khai thác sử dụng một chiều, hai chiều, một đoạn hoặc cả tuyến đường cao tốc, trừ các phương tiện làm nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát giao thông, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông.

Các trường hợp đường cao tốc phải tạm dừng khai thác quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 32/2014/NĐ-CP sửa đổi bổ sung tại Nghị định 25/2023/NĐ-CP bao gồm:

- Tạm dừng khai thác do không bảo đảm an toàn cho khai thác, sử dụng như:

+ Công trình bị hư hỏng do xảy ra sự cố công trình, do hậu quả của thiên tai, công trình bị hư hỏng không thể khai thác, sử dụng an toàn;

+ Sự cố cháy, nổ;

+ Xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng buộc phải tạm dừng khai thác để phục vụ cứu nạn, cứu hộ và bảo đảm an toàn giao thông;

+ Khi xảy ra thảm họa, dịch bệnh hoặc khi có yêu cầu phục vụ quốc phòng, an ninh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định tạm dừng khai thác đường cao tốc thuộc hệ thống quốc lộ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 37 Luật Giao thông đường bộ.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tạm dừng khai thác đường cao tốc trên các hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 37 Luật Giao thông đường bộ.

- Khi phát hiện nguy cơ mất an toàn, nguy cơ xảy ra sự cố công trình đường cao tốc ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, công trình lân cận và cộng đồng, thì người quản lý sử dụng đường cao tốc có trách nhiệm kịp thời dừng khai thác sử dụng đường cao tốc và thực hiện các biện pháp để bảo đảm an toàn cho người, phương tiện giao thông, tài sản khác; thực hiện các công việc để hạn chế và ngăn ngừa các nguy hiểm có thể xảy ra đối với công trình; bảo vệ hiện trường; tham gia cứu nạn, cứu hộ, giải quyết ùn tắc giao thông.

Sau khi quyết định tạm dừng khai thác sử dụng đường cao tốc, người quản lý sử dụng đường cao tốc có trách nhiệm thông báo ngay cho Cảnh sát giao thông, cơ quan quản lý đường cao tốc, Trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến, chính quyền địa phương.

Các công việc phải thực hiện khi tạm dừng khai thác đường cao tốc

Theo Nghị định 32/2014/NĐ-CP quy định khi tạm dừng khai thác đường cao tốc phải thực hiện các công việc sau:

- Người quản lý sử dụng đường cao tốc, đơn vị khai thác, bảo trì phải khẩn trương thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông, điều chỉnh giao thông để hạn chế ùn tắc giao thông; sửa chữa hư hỏng, khắc phục các tồn tại trên đường cao tốc, tuyến đường khác sử dụng để điều tiết giao thông; điều chỉnh, bổ sung các công trình báo hiệu đường bộ và các công trình khác phục vụ bảo đảm giao thông; tham gia hướng dẫn người và phương tiện tham gia giao thông; phối hợp với Cảnh sát giao thông, chính quyền địa phương trong việc tổ chức giao thông trên đường cao tốc.

- Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông.

- Chính quyền địa phương phối hợp thực hiện bảo đảm giao thông khi cần điều tiết các phương tiện tham gia giao thông đường cao tốc sang đường do địa phương quản lý.

- Công tác cứu nạn, cứu hộ thực hiện theo quy định tại Điều 16 Nghị định 32/2014/NĐ-CP; công tác khắc phục sự cố công trình, khắc phục hư hỏng công trình bảo đảm an toàn trong khai thác sử dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng; công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả cháy, nổ thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

- Sau khi hoàn thành việc tổ chức lại giao thông, hoàn thành cứu nạn, điều tra sự cố, người quản lý sử dụng đường cao tốc có trách nhiệm sửa chữa hư hỏng, khắc phục các tồn tại để đưa đường cao tốc vào khai thác sử dụng đúng tiêu chuẩn thiết kế.

Nguyễn Ngọc Quế Anh

800 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;