Các phương pháp định giá đất từ ngày 01/01/2024; Lộ trình giảm dần giới hạn cấp tín dụng từ ngày 01/7/2024;... là những nội dung nổi bật tại các văn bản mới được cập nhật trong tuần vừa qua (từ ngày 19/02 - 25/02/2024).
Ngày 18/01/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đất đai 2024 thay thế Luật Đất đai 2013 với nhiều điểm mới, trong đó có việc quy định các phương pháp định giá đất từ ngày 01/01/2024.
Cụ thể, các phương pháp định giá đất theo Luật Đất đai 2024 bao gồm:
(1) Phương pháp so sánh được thực hiện bằng cách điều chỉnh mức giá của các thửa đất có cùng mục đích sử dụng đất, tương đồng nhất định về các yếu tố có ảnh hưởng đến giá đất đã chuyển nhượng trên thị trường, đã trúng đấu giá quyền sử dụng đất mà người trúng đấu giá đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quyết định trúng đấu giá thông qua việc phân tích, so sánh các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất sau khi đã loại trừ giá trị tài sản gắn liền với đất (nếu có) để xác định giá của thửa đất cần định giá;
(2) Phương pháp thu nhập được thực hiện bằng cách lấy thu nhập ròng bình quân năm trên một diện tích đất chia cho lãi suất tiền gửi tiết kiệm bình quân của loại tiền gửi bằng tiền Việt Nam kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trên địa bàn cấp tỉnh của 03 năm liền kề tính đến hết quý gần nhất có số liệu trước thời điểm định giá đất;
(3) Phương pháp thặng dư được thực hiện bằng cách lấy tổng doanh thu phát triển ước tính trừ đi tổng chi phí phát triển ước tính của thửa đất, khu đất trên cơ sở sử dụng đất có hiệu quả cao nhất (hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, số tầng cao tối đa của công trình) theo quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
(4) Phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất được thực hiện bằng cách lấy giá đất trong bảng giá đất nhân với hệ số điều chỉnh giá đất. Hệ số điều chỉnh giá đất được xác định thông qua việc so sánh giá đất trong bảng giá đất với giá đất thị trường;
(5) Chính phủ quy định phương pháp định giá đất khác chưa được quy định tại (1), (2), (3) và (4) sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Xem thêm tại Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025; riêng Điều 190 và Điều 248 Luật Đất đai 2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/4/2024, khoản 9 Điều 60 Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày Nghị quyết 61/2022/QH15 hết hiệu lực.
Ngày 18/01/2024, tại kỳ họp bất thường lần thứ 05, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng 2024, trong đó sẽ có lộ trình giảm dần giới hạn cấp tín dụng.
Cụ thể, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô không được vượt quá tỷ lệ sau đây:
- Từ ngày Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực thi hành đến trước ngày 01/01/2026: 14% vốn tự có đối với một khách hàng; 23% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó;
- Từ ngày 01/01/2026 đến trước ngày 01/01/2027: 13% vốn tự có đối với một khách hàng; 21% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó;
- Từ ngày 01/01/2027 đến trước ngày 01/01/2028: 12% vốn tự có đối với một khách hàng; 19% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó;
- Từ ngày 01/01/2028 đến trước ngày 01/01/2029: 11% vốn tự có đối với một khách hàng; 17% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó;
- Từ ngày 01/01/2029: 10% vốn tự có đối với một khách hàng; 15% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó.
Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực từ 01/7/2024, trừ khoản 3 Điều 200 và khoản 15 Điều 210 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
Đây là nội dung được cập nhật tại Thông tư 01/2024/TT-BKHĐT ngày 15/02/2024 hướng dẫn cung cấp, đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu và mẫu hồ sơ đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành.
Theo đó, việc mở thầu đối với lựa chọn nhà thầu qua mạng được hướng dẫn như sau:
(1) Đối với gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ:
Bên mời thầu phải tiến hành mở thầu và công khai biên bản mở thầu trên Hệ thống trong thời hạn không quá 02 giờ kể từ thời điểm đóng thầu.
(2) Đối với gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ:
- Bên mời thầu phải tiến hành mở E-HSĐXKT và công khai biên bản mở E-HSĐXKT trên Hệ thống trong thời hạn không quá 02 giờ kể từ thời điểm đóng thầu;
- Sau khi có quyết định phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, bên mời thầu đăng tải danh sách này trên Hệ thống và đính kèm bản chụp (scan) văn bản phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật trên Hệ thống. Sau khi đăng tải thành công, Hệ thống gửi thông báo đến các nhà thầu tham dự gói thầu;
- Sau khi đăng tải danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, Bên mời thầu mở E-HSĐXTC của các nhà thầu có tên trong danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và công khai biên bản mở E-HSĐXTC trên Hệ thống.
Thông tư 01/2024/TT-BKHĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2024.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn 673/BGDĐT-KHTC ngày 21/02/2024 về việc thực hiện Nghị định 97/2023/NĐ-CP.
Theo đó, để thống nhất trong triển khai thực hiện, trên cơ sở ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các cơ sở giáo dục công lập thực hiện thu học phí năm học 2023-2024 theo đúng quy định tại Nghị định 97/2023/NĐ-CP.
Trong đó:
- Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập đã công bố học phí năm học 2023-2024 cao hơn mức trần học phí quy định tại Nghị định 97/2023/NĐ-CP thì thực hiện điều chỉnh mức học phí năm học 2023-2024 theo quy định tại Nghị định 97/2023/NĐ-CP; phần chênh lệch cao hơn (mà cơ sở giáo dục đã thu của người học) phải hoàn trả cho người học hoặc giảm trừ vào kỳ thu học phí tiếp theo. Đồng thời thực hiện công khai đối với người học và xã hội bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất trong triển khai thực hiện.
- Đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập
Trường hợp Hội đồng nhân dân các tỉnh và các cơ sở giáo dục đã ban hành khung học phí hoặc mức thu học phí năm học 2023-2024 tăng so với mức thu học phí năm học 2021-2022 thì ngân sách địa phương đảm bảo phần chênh lệch tăng thêm so với mức thu học phí năm học 2021-2022. Mức hỗ trợ cho từng cơ sở giáo dục do địa phương xem xét quyết định.
Trường hợp ngân sách địa phương không đảm bảo phần chênh lệch tăng thêm so với mức thu học phí năm học 2021-2022 thì phải thực hiện điều chỉnh theo quy định của Nghị định 97/2023/NĐ-CP; phần chênh lệch cao hơn (mà cơ sở giáo dục đã thu của người học) phải hoàn trả cho người học hoặc giảm trừ vào kỳ thu học phí tiếp theo.
- Các quy định không được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 97/2023/NĐ-CP tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP.
Xem thêm tại Công văn 673/BGDĐT-KHTC ngày 21/02/2024.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |