Bảo hiểm Xã hội Việt Nam yêu cầu tăng cường truyền thông chuyên đề về BHXH một lần.
Tăng cường truyền thông chuyên đề về BHXH một lần (Hình từ internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Ngày 22/05/2024, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ban hành Công văn 1488/BHXH-TT về việc tăng cường truyền thông chuyên đề về BHXH một lần.
Theo đó, để tiếp tục tạo sự đồng thuận, thống nhất trong công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội lâu dài, bền vững cho NLĐ, BHXH Việt Nam đề nghị các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam (đơn vị), BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (BHXH các tỉnh) thực hiện truyền thông chuyên đề về BHXH một lần, theo đó, chủ thể, nội dung và hình thức truyền thông
(1) Đối với cấp ủy, chính quyền các cấp
BHXH các tỉnh chủ động truyền thông đến cấp ủy, chính quyền các cấp về vai trò, trách nhiệm trong triển khai chính sách BHXH tại địa phương, qua đó khẳng định công tác truyền thông chính sách BHXH một lần không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành BHXH mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội vì mục tiêu an sinh lâu dài, bền vững cho NLĐ. Cụ thể như sau:
* Nội dung truyền thông
- Truyền thông về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm hạn chế nhận BHXH một lần. Bởi lẽ, việc NLĐ ra khỏi hệ thống BHXH không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ, mà còn ảnh hưởng đến việc ổn định đời sống người dân và mục tiêu an sinh xã hội lâu dài, bền vững của người dân trên địa bàn.
- Ý nghĩa, giá trị, lợi ích của chính sách BHXH với vai trò là trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội.
- Thông tin, truyền thông đầy đủ về thực trạng nhận BHXH một lần tại địa phương, nguyên nhân khiến NLĐ nhận BHXH một lần; thông tin về kết quả, các giải pháp về truyền thông của ngành BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh đến NLĐ nhằm giảm tình trạng nhận BHXH một lần.
* Hình thức truyền thông
- BHXH các tỉnh thường xuyên báo cáo, tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tích cực, chủ động phối hợp với cơ quan BHXH cùng cấp triển khai các hoạt động truyền thông hiệu quả, phù hợp; nhất là đối với các đơn vị có liên quan trực tiếp như: Sở Lao động - Thương binh & Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý Khu công nghiệp - Khu chế xuất,… trên địa bàn.
- BHXH các tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy cung cấp, định hướng thông tin truyền thông BHXH, BHYT, trong đó có chính sách BHXH một lần cho đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh, cấp huyện và các cơ quan báo chí trên địa bàn thông qua hội nghị báo cáo viên hằng tháng, qua hệ thống tin, bài viết trên các ấn phẩm của Ban Tuyên giáo.
(2) Đối với người sử dụng lao động
Khi số NLĐ nghỉ việc chờ nhận BHXH một lần tăng cao, sẽ ảnh hưởng và gây bất lợi trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh và sự ổn định của lực lượng lao động. Do đó, BHXH các tỉnh cần tập trung truyền thông, cụ thể như sau:
* Nội dung truyền thông
- Thông tin đầy đủ về thực trạng rút BHXH một lần tại địa phương và nguyên nhân chính khiến NLĐ quyết định rút BHXH một lần; các giải pháp cơ quan BHXH đã triển khai trong việc thông tin, truyền thông đến NLĐ nhằm giảm tình trạng rút BHXH một lần để người sử dụng lao động (NSDLĐ) biết và cùng chung trách nhiệm phối hợp truyền thông đến NLĐ.
- Truyền thông đến NSDLĐ trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc tham gia BHXH đầy đủ cho NLĐ để NLĐ yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc, giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển bền vững. Việc đảm bảo để NLĐ luôn ở trong hệ thống an sinh xã hội, không chỉ là quyền lợi của NLĐ mà còn là giải pháp để NLĐ gắn bó lâu dài hơn với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn nhân lực.
- Truyền thông để NSDLĐ nhận thấy được những ảnh hưởng khi NLĐ nghỉ việc tập thể chờ nhận BHXH một lần, như: nguy cơ thiếu hụt lao động, lãng phí nguồn lao động có tay nghề, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh,… Từ đó, khuyến nghị NSDLĐ chủ động có giải pháp, phối hợp truyền thông để NLĐ không nghỉ việc để rút BHXH một lần.
- Truyền thông để NSDLĐ có chính sách khuyến khích, giữ chân NLĐ làm việc lâu dài cho doanh nghiệp, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực của doanh nghiệp đi đôi với chăm lo cuộc sống vật chất, tinh thần của NLĐ.
* Hình thức truyền thông
BHXH các tỉnh chủ động, kịp thời thực hiện đa dạng, linh hoạt các hình thức sau:
- Tổ chức hội nghị cung cấp thông tin, hội nghị đối thoại trực tiếp với NSDLĐ.
- Cung cấp thông tin qua Zalo, e-mail tới đơn vị, doanh nghiệp.
- Cung cấp các sản phẩm truyền thông (file phát thanh, bài viết, video, Infographic,…) để phát trên hệ thống loa, đăng tải trên trang web, bản tin của đơn vị, doanh nghiệp.
- Các hình thức khác phù hợp với tình hình địa phương, đảm bảo hiệu quả, thiết thực.
(3) Đối với NLĐ
Đây là chủ thể trực tiếp cần phải truyền thông thường xuyên, liên tục để NLĐ thay đổi nhận thức, thấy được lợi ích của việc hưởng lương hưu hằng tháng và những thiệt thòi khi lựa chọn nhận BHXH một lần. Do đó, đề nghị BHXH các tỉnh chủ động, tích cực, kiên trì thực hiện các nội dung, hình thức truyền thông sau:
* Nội dung truyền thông
- Truyền thông sâu, rộng về ý nghĩa, giá trị của việc hưởng lương hưu hằng tháng để đảm bảo cuộc sống và được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để chăm sóc sức khỏe:
+ Tham gia BHXH, khi về già được hưởng lương hưu đảm bảo cuộc sống và được cấp thẻ BHYT miễn phí để được chăm sóc sức khỏe, đây là bản chất nhân văn của chính sách. Thời gian đóng BHXH chính là thành quả của quá trình lao động, là khoản tích lũy của NLĐ khi còn sức khỏe, còn thu nhập để dành chăm lo cuộc sống và sức khoẻ khi về già.
+ NLĐ có lương hưu, đồng nghĩa với việc sẽ có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng bảo đảm cuộc sống khi về già, giúp NLĐ tự chủ hơn trong cuộc sống của mình, không bị lệ thuộc vào gia đình và xã hội.
+ Lương hưu được Nhà nước điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế, vì vậy, người hưởng lương hưu luôn được bảo toàn giá trị lương hưu, không gặp phải rủi ro khi đồng tiền mất giá.
+ Được cấp thẻ BHYT miễn phí (với mức hưởng 95% chi phí khám, chữa bệnh) trong suốt thời gian hưởng lương hưu để chăm sóc sức khoẻ khi không may bị ốm đau, bệnh tật.
+ Khi NLĐ qua đời, người lo mai táng sẽ được hưởng trợ cấp mai táng (bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm mất) và thân nhân NLĐ sẽ được hưởng trợ cấp tuất một lần hoặc trợ cấp tuất hằng tháng nếu đủ điều kiện theo quy định.
- Truyền thông về những thiệt thòi khi NLĐ lựa chọn nhận BHXH một lần; những lợi ích, giá trị được hưởng khi không nhận BHXH một lần và bảo lưu thời gian đóng để khi có điều kiện tiếp tục tham gia:
+ Khi nhận BHXH một lần, NLĐ có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu, không có điều kiện vật chất đảm bảo ổn định cuộc sống lúc tuổi già; cơ hội được cấp thẻ BHYT miễn phí để chăm sóc sức khỏe khi tuổi già và chế độ tử tuất (như tiền mai táng phí, trợ cấp tuất một lần hoặc trợ cấp tuất hằng tháng).
+ NLĐ nhận BHXH một lần thiệt thòi rất lớn: NLĐ sẽ bị thiệt khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014; so sánh với việc tích lũy thời gian để hưởng lương hưu thì thiệt thòi là rất lớn (chi tiết tại Phụ lục I gửi kèm).
+ Khi NLĐ đã nhận BHXH một lần, nếu tiếp tục quay lại tham gia BHXH sẽ không được cộng nối thời gian đã đóng BHXH trước đó, dẫn đến NLĐ có thể không đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động hoặc nếu đủ điều kiện thì mức lương hưu cũng không cao. Do đó, cần truyền thông để NLĐ bảo lưu thời gian đóng BHXH, khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện để được cộng nối thời gian tham gia BHXH trước đó và hưởng chế độ hưu trí với mức hưởng lương hưu cao hơn (BHXH vận hành theo cơ chế đóng - hưởng, thời gian đóng BHXH càng nhiều thì mức hưởng càng cao).
- Truyền thông kết quả vận động NLĐ không nhận BHXH một lần tại địa phương, nhất là sau khi truyền thông, vận động NLĐ đã nhận ra giá trị, lợi ích khi ở lại hệ thống và không nhận BHXH một lần; các tấm gương thực tế “người thật, việc thật”, đó là: những người nghỉ hưu đang được sống vui, khỏe, an nhàn nhờ có lương hưu hằng tháng và thẻ BHYT; người đã từng nhận BHXH một lần, nay có nguyện vọng được nộp lại tiền để được nhận lương hưu hằng tháng; người đã nhận BHXH một lần, nay phải tham gia BHXH tự nguyện mới đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí (đóng BHXH 1 lần cho những năm còn thiếu);…
- Thường xuyên, kiên trì truyền thông, gửi đến NLĐ thông điệp cho dù chính sách, pháp luật về BHXH quy định các chế độ BHXH theo hướng nào thì đều hướng đến mục tiêu trọng tâm nhằm đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội lâu dài, bền vững cho NLĐ.
* Hình thức truyền thông
- BHXH các tỉnh chủ động, tích cực thực hiện các hình thức truyền thông như:
+ Tổ chức các hội nghị truyền thông, đối thoại, tư vấn trực tiếp với NLĐ tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp; truyền thông, tư vấn trong các giờ nghỉ giữa giờ, giờ giao ca; kết hợp phát tờ rơi, tờ gấp,…; chủ động giải đáp thắc mắc, tư vấn, hỗ trợ; đồng thời ghi nhận phản ánh, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của NLĐ.
+ Duy trì thường xuyên việc truyền thông, vận động trực tiếp tại bộ phận “Một cửa” của cơ quan BHXH cấp tỉnh/huyện khi người dân đến làm thủ tục nhận BHXH một lần (thông qua việc tư vấn, thuyết phục NLĐ thay đổi quyết định hưởng BHXH một lần; kẹp các tờ rơi, tờ gấp, tài liệu truyền thông về lợi ích hưởng lương hưu hằng tháng, những thiệt thòi khi nhận BHXH một lần vào hồ sơ khi NLĐ đến đăng ký nhận BHXH một lần) và hệ thống duy Tổng đài Chăm sóc khách hàng của Ngành.
+ Phối hợp truyền thông trực tiếp cho NLĐ tại các Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh; truyền thông lồng ghép tại đơn vị sử dụng lao động nhân Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân, Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động; kết hợp phát các sản phẩm truyền thông (tờ rơi, tờ gấp cho NLĐ; phát các motion graphic, video clip trên màn hình led tại Trung tâm Dịch vụ việc làm, khu công nghiệp - nếu có,…).
+ Tăng cường số lượng, tần suất các tuyến bài chuyên sâu, bài phỏng vấn, chương trình tọa đàm, clip tin tức, Infographic,… trên: Các kênh truyền thông của các cơ quan thông tấn, báo chí; các phương tiện truyền thông của Ngành; môi trường Internet, mạng xã hội.
+ Truyền thông trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở, truyền thông lưu động; tổ chức các chiến dịch truyền thông; gian hàng tư vấn;…
+ Đưa tờ rơi, tờ gấp về những thiệt thòi khi nhận BHXH một lần trong hồ sơ chốt sổ cho NLĐ nghỉ việc để thông tin, truyền thông trước cho NLĐ.
- BHXH Việt Nam triển khai các hình thức:
+ Duy trì cung cấp thông tin tại tiết 2.3.1 khoản 2.3 mục 2 Công văn 1488/BHXH-TT trong mục Tin tức trên ứng dụng VssID - BHXH số để truyền thông đến NLĐ.
+ Nhắn tin (qua chức năng thông báo) trên ứng dụng “VssID-BHXH số” (VssID) cho các trường hợp NLĐ tham gia BHXH từ 10 năm trở lên (nội dung cảm ơn NLĐ vì đã tham gia BHXH trong thời gian qua và truyền thông về: lợi ích của việc tham gia BHXH để tuổi già có lương hưu hằng tháng, được cấp thẻ BHYT miễn phí, được chăm sóc sức khỏe trọn đời).
Nguyễn Ngọc Quế Anh
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |