Các căn cứ thanh tra lại theo Nghị định 43/2023/NĐ-CP

Xin vui lòng cho tôi hỏi hiện nay các căn cứ thanh tra lại được quy định như thế nào? - Khánh Thi (Hà Tĩnh)

Các căn cứ thanh tra lại theo Nghị định 43/2023/NĐ-CP

Các căn cứ thanh tra lại theo Nghị định 43/2023/NĐ-CP (Hình từ internet)

Ngày 30/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 43/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra.

1. Các căn cứ thanh tra lại theo Nghị định 43/2023/NĐ-CP

Cụ thể tại Điều 19 Nghị định 43/2023/NĐ-CP quy định các căn cứ thanh tra lại theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Thanh tra, cụ thể như sau:

- Có vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục trong quá trình tiến hành thanh tra dẫn đến sai lệch về nội dung của kết luận thanh tra bao gồm: không xây dựng và gửi đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo; không thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra; không kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu; không có báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra.

- Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận thanh tra bao gồm: áp dụng không đúng quy phạm của pháp luật hoặc áp dụng văn bản pháp luật đã hết hiệu lực dẫn đến sai lệch về nội dung của kết luận thanh tra.

- Nội dung trong kết luận thanh tra không phù hợp với những chứng cứ thu thập được trong quá trình tiến hành thanh tra dẫn đến việc đánh giá không đúng, tăng nặng, giảm nhẹ hoặc bỏ qua hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra hoặc kiến nghị xử lý không phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm đã được phát hiện.

- Người tiến hành thanh tra cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc là hành vi thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng các thông tin, tài liệu, chứng cứ của cuộc thanh tra hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung hồ sơ vụ việc.

- Cơ quan thanh tra cấp trên hoặc cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra nhưng chưa được phát hiện đầy đủ qua thanh tra theo nội dung ghi trong quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra của Đoàn thanh tra trước đó.

2. Thẩm quyền thanh tra lại

Căn cứ theo Điều 18 Nghị định 43/2023/NĐ-CP quy định thẩm quyền thanh tra lại như sau:

- Tổng Thanh tra Chính phủ quyết định thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Bộ, cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra tỉnh khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

- Chánh Thanh tra Bộ quyết định thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Tổng cục, Thanh tra Cục và tương đương, của cơ quan khác thuộc bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; vụ việc đã có kết luận của Thanh tra sở thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

- Chánh Thanh tra tỉnh quyết định thanh tra lại vụ việc thanh tra hành chính đã có kết luận của Thanh tra sở, Thanh tra quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Thanh tra huyện) khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

3. Trình tự tiến hành một cuộc thanh tra lại

Trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra lại được quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 43/2023/NĐ-CP như sau:

- Ban hành quyết định thanh tra;

- Công bố quyết định thanh tra;

- Xây dựng và gửi đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo;

- Thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra;

- Kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu;

- Báo cáo kết quả thanh tra;

- Xây dựng dự thảo kết luận thanh tra;

- Ban hành kết luận thanh tra;

- Công khai kết luận thanh tra.

Xem thêm Nghị định 43/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/8/2023.

Hồ Quốc Tuấn

1392 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;