Xin hỏi là ngạch thanh tra hiện hành có bao nhiêu ngạch? Tổng hợp giúp các ngạch thanh tra - Diễm Trinh (Tiền Giang)
- Thanh tra viên chuyên ngành GTVT có được tham gia đoàn thanh tra khi có người thân là lãnh đạo thanh tra không?
- Điều kiện dự thi nâng ngạch Thanh tra viên
- Thanh tra viên ngành Nội vụ là công chức
Thanh tra viên là ai? Tổng hợp các ngạch thanh tra (Hình từ Internet)
1. Thanh tra viên là ai?
- Thanh tra viên là công chức, sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Thanh tra viên được cấp trang phục, thẻ thanh tra.
- Thanh tra viên phải tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp và trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
(Điều 31 Luật Thanh tra 2010)
2. Các ngạch thanh tra viên
Tại Điều 33 Luật Thanh tra 2010 quy định về Thanh tra viên có các ngạch như sau:
- Thanh tra viên;
- Thanh tra viên chính;
- Thanh tra viên cao cấp.
2.1. Ngạch thanh tra viên
Thanh tra viên là công chức chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan thanh tra nhà nước, thực hiện quyết định thanh tra và các nhiệm vụ khác của cơ quan thanh tra nhà nước. Thanh tra viên được giao chủ trì thanh tra các vụ việc có quy mô và tính chất phức tạp trung bình; khi tiến hành thanh tra phải tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp về nhiệm vụ được giao.
(Điều 6 Nghị định 97/2011/NĐ-CP)
2.2. Ngạch thanh tra viên chính
Thanh tra viên chính là công chức chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan thanh tra nhà nước, thực hiện quyết định thanh tra và các nhiệm vụ khác của cơ quan thanh tra nhà nước. Thanh tra viên chính được giao chủ trì hoặc tham gia thanh tra các vụ việc có quy mô rộng, tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực; khi tiến hành thanh tra phải tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp về nhiệm vụ được giao.
(Điều 7 Nghị định 97/2011/NĐ-CP)
2.3. Ngạch thanh tra viên cao cấp
Thanh tra viên cao cấp là công chức chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ, Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thực hiện quyết định thanh tra và các nhiệm vụ khác của cơ quan thanh tra nhà nước. Thanh tra viên cao cấp được giao trực tiếp chủ trì thanh tra các vụ việc có quy mô lớn, tình tiết rất phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực; khi tiến hành thanh tra phải tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp về nhiệm vụ được giao.
(Điều 8 Nghị định 97/2011/NĐ-CP)
3. Nguyên tắc bổ nhiệm các ngạch thanh tra viên
Việc bổ nhiệm các ngạch thanh tra phải bảo đảm các nguyên tắc sau:
- Người được bổ nhiệm có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch thanh tra quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật Thanh tra và các tiêu chuẩn quy định tại các Điều 6, 7, 8 và 9 Nghị định 97/2011/NĐ-CP
- Việc bổ nhiệm phải đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục quy định và phù hợp với nhu cầu vị trí công tác.
(Khoản 1 Điều 10 Nghị định 97/2011/NĐ-CP)
4. Trường hợp công chức được xem xét, bổ nhiệm vào ngạch thanh tra
Công chức được xem xét, bổ nhiệm vào các ngạch thanh tra trong các trường hợp sau:
- Công chức giữ các ngạch chuyên viên và tương đương, chuyên viên chính và tương đương, chuyên viên cao cấp và tương đương đang công tác trong các cơ quan thanh tra nhà nước có đủ điều kiện, tiêu chuẩn chuyển sang các ngạnh thanh tra tương ứng;
- Công chức trúng tuyển kỳ thi ngạch thanh tra viên lên thanh tra viên chính hoặc kỳ thi nâng ngạch thanh tra viên chính lên thanh tra viên cao cấp.
- Sỹ quan Quân đội nhân dân, sỹ quan Công an nhân dân công tác ở các cơ quan Thanh tra Quốc phòng, Thanh tra Công an có đủ điều kiện, tiêu chuẩn của ngạch thanh tra theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 97/2011/NĐ-CP thì được xem xét, bổ nhiệm vào các ngạch thanh tra tương ứng theo điều kiện, tiêu chuẩn và nhu cầu vị trí công tác.
(Khoản 2 Điều 10 Nghị định 97/2011/NĐ-CP)
5. Thẩm quyền bổ nhiệm các ngạch thanh tra
- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, bổ nhiệm các ngạch thanh tra viên, thanh tra viên chính.
- Bộ trưởng Bộ Nội vụ xem xét, bổ nhiệm công chức vào ngạch thanh tra viên cao cấp;
Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, bổ nhiệm sỹ quan Công an nhân dân, sỹ quan Quân đội nhân dân vào ngạch thanh tra viên cao cấp.
Quyết định bổ nhiệm Thanh tra viên cao cấp thuộc Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ, Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải gửi cho Thanh tra Chính phủ để theo dõi, tổng hợp.
(Điều 11 Nghị định 97/2011/NĐ-CP)
Ngọc Nhi
- Key word:
- Thanh tra viên