Nghị định 141/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành ngày 25/01/2018 vừa qua đã chính thức quy định mức lương tối thiểu vùng 2018. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng ở tất cả các khu vực đều tăng khoảng 6,5% so với năm 2017.
Việc tăng mức lương tối thiểu vùng là dấu hiệu tích cực đối với người lao động. Tuy nhiên, về phía người sử dụng lao động, việc tăng mức lương tối thiểu vùng đều đặn qua các năm gây ra khá nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như các doanh nghiệp dệt may.
Theo thống kê từ năm 2009 đến năm 2018, mức lương tối thiểu vùng qua mỗi năng đều tăng đều đặn. Lấy ví dụ ở vùng I, mức lương tối thiểu vùng từ năm 2014 đến năm 2018 đều tăng lần lượt các mức sau: 2.700.000đ (2014) → 3.100.000đ (2015) → 3.500.000đ (2016) →3.750.000đ (2017) → 3.980.000đ (2018). Nhiều ý kiến cho rằng, việc duy trì tăng lương đều đặn qua các năm không phù hợp với tình hình thực tế và “bào mòn” doanh nghiệp. Chính vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp đều không muốn điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng.
Vậy, việc tăng mức lương tối thiểu vùng như vậy sẽ đặt ra những bài toán nào cho doanh nghiệp?
Thứ nhất, gánh nặng chi phí nhân lực
Khi mức lương tối thiểu vùng tăng, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải tăng mức mức chi cho các khoản sau đây: Bảo hiểm xã hội cho người lao động, phí công đoàn và lương của người lao động trong trường hợp doanh nghiệp xây dựng thang bảng lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng hiện tại.
Trong khi đó, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn đã ở mức 34% (32% đóng BHXH và 2% đóng phí công đoàn) nay lại còn phải tăng thêm 2% theo tỉ lệ tăng mức lương tối thiểu vùng. Với tình hình này, doanh nghiệp đang phải cõng thêm trên mình quá nhiều chi phí trong khi năng suất lao động không có mức tăng tương đồng với mức tăng lương tối thiểu vùng.
Thứ hai, tăng áp lực cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.
Mức lương tối thiểu vùng tăng đã kéo theo việc tăng chi phí nguồn nhân lực. Điều này cũng có nghĩa là, chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng. Khi đó, để cạnh tranh với các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế mạnh, doanh nghiệp Việt Nam phải lựa chọn giữa tăng năng suất lao động hoặc tăng giá thành sản phẩm. Tăng năng suất lao động không phải là chuyện một sớm một chiều bởi những đòi hỏi về công nghệ là những vấn đề lớn.
Trong khi đang phải gánh thêm nhiều chi phí vì mức lương tối thiểu vùng tăng thì thay đổi công nghệ thực sự là một áp lực lớn cho doanh nghiệp. Việc giảm giá thành cũng không tỏ ra hiệu quả trong lúc này. Giảm giá thành sẽ đồng nghĩa với việc giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam vì thực tế doanh nghiệp chúng ta đang cạnh tranh với nước ngoài về mặt giá cả.
Như đã đề cập, mức lương tối thiểu vùng 2018 có thể xem là dấu hiệu đáng mừng cho người lao động. Tuy nhiên, việc tăng đều đặn qua các năm như vậy thật sự là vấn đề cần xem xét lại.
- Đoan Trinh -