Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định 35/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, có hiệu lực từ ngày 29/3/2021.
Quy trình chỉ định nhà đầu tư đối với dự án quốc phòng, an ninh (Ảnh minh họa)
Tại Điều 39 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 quy định chỉ định nhà đầu tư được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
- Dự án cần bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước.
- Dự án cần phải lựa chọn ngay nhà đầu tư thay thế để ký kết hợp đồng dự án PPP mới trong trường hợp chấm dứt hợp đồng dự án PPP trước thời hạn để bảo đảm tính liên tục trong quá trình thực hiện dự án.
Theo đó, quy trình chỉ định nhà đầu tư đối với dự án cần bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước được thực hiện như sau:
1. Chuẩn bị chỉ định Nhà đầu tư
Trước hết, việc chỉ định nhà đầu tư phải bảo đảm các nguyên tắc sau:
- Nội dung hồ sơ trong các bước được thực hiện như đối với các bước tương ứng của quy trình đấu thầu rộng rãi. Riêng các nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước, việc công khai thông tin thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo đảm bí mật nhà nước.
- Bên mời thầu trao đổi thông tin, hồ sơ, tài liệu với nhà đầu tư được đề nghị chỉ định. Không quy định về xếp hạng nhà đầu tư; không thẩm định, phê duyệt danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật. Trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, bên mời thầu được phép mời nhà đầu tư đến làm rõ hoặc sửa đổi, bổ sung các nội dung thông tin cần thiết của hồ sơ dự thầu.
- Sau khi đánh giá hồ sơ dự thầu, tổ chuyên gia lập báo cáo gửi bên mời thầu xem xét. Trong báo cáo phải nêu rõ các nội dung sau đây:
+ Nhận xét về tính công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà đầu tư. Trường hợp chưa bảo đảm công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế, phải nêu rõ lý do và đề xuất biện pháp xử lý;
+ Những nội dung của hồ sơ mời thầu chưa phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư PPP dẫn đến có cách hiểu không rõ hoặc khác nhau trong quá trình thực hiện hoặc có thể dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà đầu tư (nếu có); đề xuất biện pháp xử lý.
Cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm xác định nhà đầu tư đáp ứng các điều kiện dưới đây được đề nghị chỉ định khi phê duyệt hồ sơ mời thầu:
- Có đăng ký thành lập, hoạt động được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ mà nhà đầu tư đang hoạt động.
- Hạch toán tài chính độc lập; bảo đảm cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư.
- Không đang trong quá trình giải thể; không thuộc trường hợp mất khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản.
- Không đang trong thời gian bị cấm tham gia hoạt động đầu tư theo phương thức PPP.
- Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ phải liên danh với nhà đầu tư thuộc khu vực tư nhân để tham dự thầu.
- Nhà đầu tư thành lập theo pháp luật nước ngoài phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường khi tham gia lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án thuộc ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.
2. Tổ chức chỉ định Nhà đầu tư
Theo điểm b Khoản 1 Điều 37 Nghị định 35/2021/NĐ-CP quy định tổ chức chỉ định nhà đầu tư bao gồm:
- Phát hành hồ sơ mời thầu: hồ sơ mời thầu được phát hành cho nhà đầu tư được đề nghị chỉ định.
- Chuẩn bị, nộp, tiếp nhận, quản lý, sửa đổi, rút hồ sơ dự thầu.
- Mở hồ sơ dự thầu.
3. Đánh giá hồ sơ dự thầu
- Kiểm tra và đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về kỹ thuật (khoản 1, khoản 2 Điều 56 Nghị định 35/2021/NĐ-CP).
- Nhà đầu tư có hồ sơ đề xuất về kỹ thuật hợp lệ, đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm được xem xét, đánh giá chi tiết về mặt kỹ thuật.
- Việc đánh giá chi tiết hồ sơ đề xuất về kỹ thuật thực hiện theo phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật nêu trong hồ sơ mời thầu.
- Nhà đầu tư có tên trong danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật được mở hồ sơ đề xuất về tài chính-thương mại
- Kiểm tra và đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về tài chính-thương mại
Sau khi đánh giá hồ sơ dự thầu, tổ chuyên gia lập báo cáo gửi bên mời thầu xem xét.
4. Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà đầu tư
- Căn cứ báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu, bên mời thầu trình cơ quan có thẩm quyền kết quả lựa chọn nhà đầu tư đồng thời gửi đơn vị thẩm định, trong đó nêu rõ ý kiến của bên mười thầu về các nội dung đánh giá của tổ chuyên gia.
- Đơn vị thẩm định thực hiện thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư theo Khoản 3, 4,5 Điều 72 Nghị định 35/2021/NĐ-CP)
- Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư căn cứ tờ trình phê duyệt và báo cáo thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
- Bên mời thầu chịu trách nhiệm đăng tải thông tin về kết quả lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại điểm b khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 4 của Nghị định 35/2021/NĐ-CP
- Bên mời thầu gửi văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà đầu tư đến nhà đầu tư tham dự thầu trong thời hạn không muộn hơn 10 ngày, kể từ ngày văn bản được ban hành.
Lưu ý: Đối với thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, việc công khai thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
5. Đàm phán, hoàn thiện, ký kết hợp đồng
Căn cứ kết quả chọn nhà đầu tư, nhà đầu tư trúng thầu được mời đến đàm phán, hoàn thiện hợp đồng. Trường hợp nhà đầu tư không đến hoặc từ chối đàm phán, hoàn thiện hợp đồng thì bảo đảm dự thầu của nhà đầu tư không được hoàn trả, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật.
Lưu ý:
-
Việc đàm phán, hoàn thiện hợp đồng không được làm thay đổi nội dung cơ bản của hồ sơ dự thầu;
-
Nhà đầu tư không được thay đổi, rút hoặc từ chối thực hiện các nội dung cơ bản đề xuất trong hồ sơ dự thầu đã được bên mời thầu đánh giá đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu, trừ trường hợp các thay đổi do nhà đầu tư đề xuất mang lại hiệu quả cao hơn cho dự án;
-
Trường hợp đàm phán, hoàn thiện hợp đồng không thành công, bên mời thầu báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định hủy kết quả lựa chọn nhà đầu tư và mời nhà đầu tư xếp hạng tiếp theo vào đàm phán, hoàn thiện hợp đồng.
- Từ khóa:
- Nghị định 35/2021/NĐ-CP