Những năm gần đây, vấn nạn DN xả các chất thải độc hại ra ngoài môi trường vẫn làm đau đầu các cơ quan chức năng. Nhiều DN chạy theo các dự án quy mô nghìn tỉ nhưng lại đầu tư rất khiêm tốn cho hệ thống xử lý chất thải. Vậy pháp luật quy định chế tài nào cho hành vi xả thải ra môi trường của DN?
Doanh nghiệp xả thải ra môi trường có thể bị xử lý hình sự (Ảnh minh họa)
Theo các khoản 5, 6, 7 Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường 2014, nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi xả thải các chất rắn, lỏng, khí độc hại vào môi trường, bao gồm:
-
Thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí;
-
Đưa vào nguồn nước hóa chất độc hại, chất thải, vi sinh vật chưa được kiểm định và tác nhân độc hại khác đối với con người và sinh vật;
-
Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hóa vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Để biết mức nguy hại mà các chất thải này gây ra đối với môi trường, cần căn cứ vào các yếu tố đo lường mức độ độc hại như lượng chất thải, số lần vượt quy chuẩn kĩ thuật quốc gia,... Nội dung này được quy định chi tiết tại Nghị định 19/2015/NĐ-CP.
1. Cơ sở xác định việc xả thải gây ô nhiễm môi trường
Điều 33 Nghị định 19/2015/NĐ-CP quy định việc xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải được tiến hành khách quan, công bằng, đúng pháp luật; căn cứ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường và mức độ vi phạm của các hành vi gây ô nhiễm môi trường.
2. Các yếu tố xác định mức độ vi phạm
Các yếu tố này được quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định 19/2015/NĐ/CP, cụ thể như sau:
- Đối với hành vi xả nước thải, khí thải, bụi vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường: Căn cứ vào lượng nước thải, lưu lượng khí thải, bụi của cơ sở; số lần vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường của các thông số môi trường đặc trưng và số các thông số môi trường đặc trưng vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải có trong nước thải, khí thải, bụi của cơ sở.
- Đối với hành vi chôn lấp, thải vào đất, môi trường nước các chất gây ô nhiễm ở thể lỏng, rắn, bùn không đúng quy định làm môi trường đất, nước, không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh: Căn cứ vào số lần vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt, nước ngầm, nước biển, không khí xung quanh và môi trường đất của các thông số môi trường do các hành vi này gây ra.
3. Các chế tài xử phạt
Xử phạt hành chính:
- Hình phạt chính: Theo Điều 4 Nghị định 155/2016/NĐ-CP thì doanh nghiệp có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường sẽ bị áp dụng một trong hai hình phạt chính là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Với hình thức phạt tiền, mức phạt tiền tối đa có thể lên đến 2 tỷ đồng cho mỗi hành vi vi phạm.
- Hình phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng có thời hạn đối với Giấy phép xử lý chất thải nguy hại/Giấy phép xả thải khí thải công nghiệp. Mọi hoạt động của doanh nghiệp tạo ra chất thải cần xử lý sẽ bị tạm đình chỉ cho đến khi hết thời hạn xử lý, các hoạt động khác không liên quan đến quá trình xả thải vẫn được phép tiếp tục.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả:
-
Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường đã bị ô nhiễm hoặc phục hồi môi trường bị ô nhiễm do vi phạm hành chính gây ra;
-
Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm theo quy định.
Trách nhiệm hình sự:
Theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 58 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 về "Tội gây ô nhiễm môi trường" thì các doanh nghiệp có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà có thể bị phạt tiền, bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Cụ thể:
- Số tiền phạt: Từ 3 tỷ đến 20 tỷ đồng (tùy vào mức độ thiệt hại).
- Tạm đình chỉ hoạt động: Thời hạn từ 06 tháng đến 36 tháng.
- Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn: Trong trường hợp doanh nghiệp gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
Như vậy, nhằm mục đích răn đe, mạnh tay hơn nữa với các hành vi xả thải của doanh nghiệp, Bộ luật Hình sự mới đã tăng mức tiền phạt của "Tội gây ô nhiễm môi trường", tăng mức phạt thấp nhất từ 1 tỷ đồng lên 3 tỷ đồng, tăng mức phạt tối đa lên đến 20 tỷ đồng. Với chế tài xử phạt nghiêm khắc như vậy, hi vọng các doanh nghiệp sẽ có những chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, chịu khó đầu tư hệ thống xử lý chất thải bài bản hơn.
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017
Nguyên Phú