Văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 08/5 - 14/5/2023)

Văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 08/5 - 14/5/2023)
Lê Trương Quốc Đạt

UBND cấp tỉnh ủy quyền UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể; Tiêu chuẩn tài sản cố định của cơ quan nhà nước từ ngày 10/6/2023;...là những nội dung nổi bật tại các văn bản mới được cập nhật tuần vừa qua (từ ngày 08/5 - 14/5/2023).

1. UBND cấp tỉnh ủy quyền UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể

UBND cấp tỉnh ủy quyền UBND cấp huyện quyết định giá đất là nội dung tại Nghị quyết 73/NQ-CP ngày 06/5/2023 về ủy quyền quyết định giá đất cụ thể.

Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Kết luận 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị và tình hình thực tế của địa phương thực hiện ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện:

- Quyết định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước:

+ Thu hồi đất;

+ Thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư;

+ Tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân;

+ Xác định giá đất đối với diện tích vượt hạn mức khi nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân;

+ Xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân.

- Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá đất, thành viên Hội đồng bao gồm:

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện làm chủ tịch hội đồng và lãnh đạo cơ quan tài chính cấp huyện làm thường trực Hội đồng;

+ Lãnh đạo cơ quan tài nguyên và môi trường, các cơ quan chuyên môn cấp huyện có liên quan và lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất;

+ Tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất hoặc chuyên gia về giá đất và các thành viên khác do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định. Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc tổ chức xác định giá đất.

Xem thêm Nghị quyết 73/NQ-CP có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và thực hiện đến khi Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua thay thế Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành.

2. Điều kiện cấp phép thành lập và hoạt động của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô

Điều kiện cấp phép thành lập và hoạt động của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô là nội dung tại Nghị định 21/2023/NĐ-CP ngày 05/5/2023 quy định về bảo hiểm vi mô do Chính phủ ban hành.

Cụ thể, Nghị định 21/2023/NĐ-CP quy định tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 149 Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong đó các điều kiện quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 5 Điều 149 Luật Kinh doanh bảo hiểm cụ thể như sau:

- Có vốn thành lập bằng Đồng Việt Nam không thấp hơn 10 tỷ đồng. Nguồn vốn thành lập tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô bao gồm:

+ Vốn góp của cá nhân là thành viên sáng lập. Thành viên sáng lập không được sử dụng vốn vay, nguồn vốn ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân khác để tham gia góp vốn;

+ Hỗ trợ của tổ chức đại diện thành viên;

+ Tài trợ từ các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế, các chương trình, dự án;

+ Các nguồn hợp pháp khác theo quy định pháp luật.

- Nhân sự dự kiến làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc), người đại diện theo pháp luật, Chuyên gia tính toán bảo hiểm vi mô đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại Điều 24 và Điều 25 Nghị định 21/2023/NĐ-CP.

- Dự thảo điều lệ phù hợp với mục tiêu hoạt động của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô và quy định tại Điều 8 Nghị định 21/2023/NĐ-CP.

Xem thêm Nghị định 21/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/5/2023.

3. Tiêu chuẩn tài sản cố định của cơ quan nhà nước từ ngày 10/6/2023

Ngày 25/4/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 23/2023/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo đó, tiêu chuẩn tài sản cố định của cơ quan nhà nước từ ngày 10/6/2023 theo Thông tư 23/2023/TT-BTC như sau:

- Xác định tài sản:

+ Tài sản sử dụng độc lập được xác định là một tài sản.

+ Một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định, mà nếu thiếu bất kỳ một bộ phận nào trong đó thì cả hệ thống không thể hoạt động được thì hệ thống đó được xác định là một tài sản.

+ Một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ, liên kết với nhau, trong đó mỗi bộ phận cấu thành có thời gian sử dụng khác nhau và có chức năng hoạt động độc lập, đồng thời đòi hỏi phải quản lý riêng từng bộ phận tài sản thì mỗi bộ phận tài sản riêng lẻ đó được xác định là một tài sản.

+ Súc vật làm việc và/hoặc cho sản phẩm thì từng con súc vật được xác định là một tài sản.

+ Vườn cây lâu năm thuộc khuôn viên đất độc lập hoặc từng cây lâu năm riêng lẻ được xác định là một tài sản.

+ Quyền sử dụng đất đối với từng thửa đất hoặc phần diện tích được giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị trong từng thửa đất được xác định là một tài sản.

+ Quyền sở hữu trí tuệ được đăng ký, xác lập theo từng Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan đến quyền tác giả, văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp, Bằng bảo hộ giống cây trồng được xác định là một tài sản.

+ Mỗi phần mềm ứng dụng được xác định là một tài sản.

+ Thương hiệu của từng đơn vị sự nghiệp công lập được xác định là một tài sản.

- Tài sản quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 23/2023/TT-BTC (trừ tài sản quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư 23/2023/TT-BTC) được xác định là tài sản cố định khi thỏa mãn đồng thời 02 tiêu chuẩn sau đây:

+ Có thời gian sử dụng từ 01 (một) năm trở lên.

+ Có nguyên giá từ 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) trở lên.

- Tài sản quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 23/2023/TT-BTC tại đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng phải tính đủ khấu hao tài sản cố định vào giá dịch vụ theo quy định của pháp luật và tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng:

Toàn bộ thời gian vào hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết mà không hình thành pháp nhân mới theo quy định của pháp luật được xác định là tài sản cố định khi thỏa mãn đồng thời 02 tiêu chuẩn sau đây:

+ Có thời gian sử dụng từ 01 (một) năm trở lên.

+ Đáp ứng tiêu chuẩn về nguyên giá tài sản cố định theo quy định áp dụng cho doanh nghiệp.

Xem thêm Thông tư 23/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 10/6/2023, áp dụng cho năm tài chính 2023 và thay thế Thông tư 45/2018/TT-BTC.

4. Mức lãi suất cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội áp dụng đến hết 31/12/2024

Đây là nội dung tại Quyết định 486/QĐ-TTg ngày 10/5/2023 về mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Theo đó, mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Điều 16 Nghị định 100/2015/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 49/2021/NĐ-CP) là 4,8%/năm.

Quyết định 486/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 10/5/2023 đến ngày 31/12/2024.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

516 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;