Điểm tin văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 27/12/2021 – 01/01/2022)

Điểm tin văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 27/12/2021 – 01/01/2022)
Bảo Ngọc

Trong tuần vừa qua (từ ngày 27/12/2021 – 01/01/2022), Thư Ký Luật đã cập nhật được một số văn bản nổi bật sau đây:

Điểm tin văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 27/12/2021 – 01/01/2022)

1. Giảm 37 khoản phí, lệ phí từ ngày 01/01/2022 - 30/6/2022

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 120/2021/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo đó, giảm 37 khoản phí, lệ phí từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 30/6/2022, trong đó, bổ sung 03 khoản phí, lệ phí vào danh mục các khoản phí, lệ phí được giảm. Cụ thể như sau:

- Giảm 50% đối với lệ phí cấp Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng: mức thu mới sẽ là 25.000 đồng/giấy, riêng Giấy chứng nhận cấp cho xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi (không bao gồm xe cứu thương) là 50.000 đồng/giấy.

 - Giảm 50% phí trình báo đường thủy nội địa: mức thu mới sẽ là 50.000 đồng/lần (đối với tàu biển, thủy phi cơ) và 25.000 đồng/lần (đối với phương tiện thủy nội địa, phương tiện thủy nước ngoài).

 - Giảm 20% phí sử dụng tần số vô tuyến điện đối với nghiệp vụ di động mặt đất (mạng viễn thông di động mặt đất nhắn tin dùng riêng và mạng viễn thông dùng riêng sử dụng tần số thuộc nghiệp vụ di động, mạng viễn thông di động mặt đất trung kế).

Bên cạnh đó, nhiều khoản phí, lệ phí cũng được giảm đến 50% so với mức phí quy định trước đó, như:

- Giảm 50% lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng;

- Giảm 50% hí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa;

- Giảm 50% lệ phí cấp Căn cước công dân;...

Kể từ ngày 01/7/2022 trở đi, mức thu các khoản phí, lệ phí tại Thông tư 120/2021 thực hiện theo quy định hiện hành.

Xem chi tiết tại Thông tư 120/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 30/6/2022.

2. Tăng mức phạt đối với nhiều lỗi vi phạm giao thông từ năm 2022

Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.

Theo đó, tăng nặng mức phạt đối với nhiều lỗi vi phạm giao thông từ ngày 01/01/2022, đơn cử như:

- Tăng gấp đôi mức phạt đối với người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, cụ thể:

Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe:

+ Không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ.

+ Chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;

(Hiện nay, mức phạt đối với các hành vi vi phạm này là phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng).

- Tăng mức phạt đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe ô tô, máy kéo, các loại xe tương tự xe ô tô, hành vi này bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng (trước đây là từ 1.200.000 đồng đến 3.000.000 đồng).

- Tăng mức phạt đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên không có bằng lái, hoặc dùng bằng lái bị tẩy xóa, bằng lái không hợp lệ: phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (trước đây là 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng)...

Xem chi tiết tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

3. Phạt nặng hành vi tuyển sinh đại học sai đối tượng

Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 127/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 04/2021/NĐ-CP về xử phạt VPHC trong lĩnh vực giáo dục.

Theo đó, từ ngày 01/01/2022, tuyển sinh đại học sai đối tượng quy định tại quy chế tuyển sinh từ 30 người học trở lên sẽ bị phạt tiền từ 110 - 150 triệu đồng.

(Trước đây, theo quy định cũ là phạt tiền từ 70 - 100 triệu đồng).

Đối với trường hợp tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ sai đối tượng từ 10 người học trở lên cũng bị phạt tiền từ 110 - 150 triệu đồng (theo quy định cũ, phạt từ 70 - 100 triệu đồng)...

Xem thêm tại Nghị định 127/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

4. Không thông báo tỉ lệ sở hữu nước ngoài tối đa bị phạt tới 70 triệu đồng

Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 128/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Theo đó, bổ sung quy định xử phạt vi phạm quy định về thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty đại chúng như sau:

- Phạt tiền từ 30- 50 triệu đồng đối với công ty đại chúng thực hiện thông báo thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa không đúng thời gian quy định tại Điều 141 Nghị định 155/2020/NĐ-CP.

- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với công ty đại chúng không thực hiện thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa hoặc về thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa.

Đồng thời, buộc nộp hồ sơ thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty đại chúng hoặc về thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty đại chúng trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành.

Nghị định 128/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

Bảo Ngọc

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

310 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;