Điểm tin văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 24/5 – 29/5/2021)

Điểm tin văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 24/5 – 29/5/2021)
Bảo Ngọc

Trong tuần vừa qua (từ ngày 24/5 – 29/5/2021), Thư Ký Luật đã cập nhật được các văn bản quan trọng về Doanh nghiệp, Thuế, phí, lệ phí; Y tế; Môi trường… Cụ thể như sau:

1. Hướng dẫn chi đào tạo nguồn nhân lực nâng cao năng suất chất lượng

Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 35/2021/TT-BTC quy định cơ chế quản lý tài chính thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021- 2030, có hiệu lực từ ngày 05/7/2021.

Theo đó, mức chi đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng được thực hiện như sau:

- Xây dựng, ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn chuyên gia năng suất: Thực hiện theo Thông tư liên tịch 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN.

- Biên soạn tài liệu phục vụ công tác đào tạo, tập huấn về nâng cao năng suất chất lượng: Thực hiện theo Thông tư 76/2018/TT-BTC.

- Chi tổ chức các khóa đào tạo:

  • Tổ chức các khóa đào tạo trong nước đối với chuyên gia năng suất chất lượng, giảng viên năng suất chất lượng, cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp và người lao động kiến thức, kỹ năng về năng suất chất lượng; mở rộng đào tạo kiến thức về năng suất chất lượng trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề: Thực hiện theo quy định tại Thông tư 36/2018/TT-BTC.
  • Tổ chức các khóa đào tạo tại nước ngoài cho các chuyên gia năng suất chất lượng đạt trình độ khu vực và quốc tế: Thực hiện theo Thông tư 88/2017/TT-BTC.

- Thuê chuyên gia, giảng viên trong nước và nước ngoài tham gia các khóa đào tạo chuyên gia năng suất chất lượng: Căn cứ mức tiền thuê chuyên gia quy định tại Thông tư 02/2015/TT-BLĐTBXH.

Hướng dẫn chi đào tạo nguồn nhân lực nâng cao năng suất chất lượng

Hướng dẫn chi đào tạo nguồn nhân lực nâng cao năng suất chất lượng (Ảnh minh họa)

2. Sửa đổi quy định về quản lý và sử dụng phí kiểm dịch thực vật 

Thông tư 33/2021/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong hoạt động kiểm dịch và bảo vệ thực vật thuộc lĩnh vực nông nghiệp, có hiệu lực từ ngày 05/7/2021.

Theo đó, việc quản lý và sử dụng phí được thực hiện như sau:

- Tổ chức thu phí nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước, trừ trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 120/2016/NĐ-CP thì:

  • Được trích lại 70% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo Điều 5 Nghị định 120/2016/NĐ-CP.
  • Nộp 30% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

- Nếu số tiền được trích để lại theo tỷ lệ quy định lớn hơn số được chi theo dự toán được duyệt thì phải nộp số chênh lệch vào tài khoản tiền gửi mở tại Kho bạc nhà nước của Cục Bảo vệ thực vật để Cục Bảo vệ thực vật thực hiện điều hoà cho các đơn vị trực thuộc không đủ nguồn chi bảo đảm hoạt động theo Quyết định 17/2020/QĐ-TTgQuyết định 11/2021/QĐ-TTg.

3. Hình thức, nội dung xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức ngành y tế 

Thông tư 06/2021/TT-BYT quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi, xét thăng hạng và nội dung, hình thức, việc xác định người trúng tuyển trong kỳ thi xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Y tế, có hiệu lực từ ngày 01/7/2021.

Theo đó, khi viên chức đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 2 Thông tư 06 thì được tham gia xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp (CDNN) theo hình thức, nội dung sau:

- Hình thức xét thăng hạng bao gồm việc thẩm định hồ sơ dự xét theo quy định về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng CDNN viên chức chuyên ngành y tế.

- Nội dung xét thăng hạng bao gồm thẩm định việc đáp ứng yêu cầu về thực hiện nhiệm vụ, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của CDNN dự xét thăng hạng.

Lưu ý: Việc xét thăng hạng CDNN viên chức chuyên ngành y tế được thực hiện thông qua Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

4. Phạt đến 2 triệu đồng nếu vứt rác thải sinh hoạt trái quy định

Đây là một nội dung đáng chú ý tại Nghị định 55/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ ngày 10/7/2021.

Theo đó, hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt trái quy định về bảo vệ môi trường bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ hành vi vứt thải rác thải sinh hoạt, trên vỉa hè, lòng đường…

(Hiện nay, mức phạt đối với hành vi này là phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 theo điểm c khoản 1 Điều 20 Nghị định 155).

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt, trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố.

(Hiện hành, áp dụng mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 điểm d khoản 1 Điều 20 Nghị định 155).

Lưu ý, mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức vi phạm sẽ chịu mức phạt bằng 02 lần mức phạt tiền áp dụng cho cá nhân.

426 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
Liên quan Bài viết
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;