Hồ sơ địa chính là gì? Giá trị pháp lý của hồ sơ địa chính

Hiện nay, hồ sơ địa chính gồm những gì? Và hồ sơ địa chính có giá trị pháp lý như thế nào? - Xuân Hoa (Bình Thuận)

Hồ sơ địa chính là gì? Giá trị pháp lý của hồ sơ địa chính

Hồ sơ địa chính là gì? Giá trị pháp lý của hồ sơ địa chính (Hình từ Internet)

1. Hồ sơ địa chính là gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, hồ sơ địa chính là tập hợp tài liệu thể hiện thông tin chi tiết về hiện trạng và tình trạng pháp lý của việc quản lý, sử dụng các thửa đất, tài sản gắn liền với đất để phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai và nhu cầu thông tin của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Thành phần của hồ sơ địa chính

2.1 Đối với địa phương xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu địa chính

Căn cứ khoản 1 Điều 4 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, đối với địa phương xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu địa chính, hồ sơ địa chính được lập dưới dạng số và lưu trong cơ sở dữ liệu đất đai, gồm có các tài liệu sau:

(1) Tài liệu điều tra đo đạc địa chính gồm bản đồ địa chính và sổ mục kê đất đai

Trong đó:

- Bản đồ địa chính là bản đồ thể hiện các thửa đất và các yếu tố địa lý có liên quan, lập theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận. (Khoản 4 Điều 3 Luật Đất đai 2013)

- Sổ mục kê đất đai được lập để liệt kê các thửa đất và đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất theo kết quả đo vẽ lập, chỉnh lý bản đồ địa chính, trích đo địa chính thửa đất trong phạm vi đơn vị hành chính cấp xã. (Khoản 1 Điều 20 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT)

(2) Sổ địa chính

Sổ địa chính được lập để ghi nhận kết quả đăng ký, làm cơ sở để xác định tình trạng pháp lý và giám sát, bảo hộ các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người được Nhà nước giao quản lý đất theo quy định của pháp luật đất đai.

(Khoản 1 Điều 21 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT)

(3) Bản lưu Giấy chứng nhận

Căn cứ khoản 4 Điều 3 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, Giấy chứng nhận là tên gọi chung của các loại giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, bao gồm: 

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 

- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở; 

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở.

2.2 Đối với địa phương chưa xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính

Đối với địa phương chưa xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính thì theo khoản 2 Điều 4 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, hồ sơ địa chính gồm các tài liệu sau:

- Các tài liệu (1), (3) mục 2.1 lập dưới dạng giấy và dạng số (nếu có);

- Tài liệu (2) mục 2.1 được lập dưới dạng giấy hoặc dạng số;

- Sổ theo dõi biến động đất đai lập dưới dạng giấy.

3. Giá trị pháp lý của hồ sơ địa chính

Điều 7 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT quy định về giá trị pháp lý của hồ sơ địa chính như sau:

- Hồ sơ địa chính làm cơ sở để xác định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, xác định quyền và nghĩa vụ của người được Nhà nước giao quản lý đất theo quy định của pháp luật đất đai.

- Hồ sơ địa chính dạng giấy, dạng số đều có giá trị pháp lý như nhau.

- Trường hợp có sự không thống nhất thông tin giữa các tài liệu của hồ sơ địa chính thì phải thực hiện kiểm tra, đối chiếu các tài liệu trong hồ sơ địa chính và hồ sơ thủ tục đăng ký để xác định thông tin có giá trị pháp lý làm cơ sở chỉnh lý thống nhất hồ sơ địa chính.

- Trường hợp thành lập bản đồ địa chính mới thay thế tài liệu, số liệu đo đạc đã sử dụng để đăng ký trước đây thì xác định giá trị pháp lý của thông tin như sau:

+ Trường hợp đã cấp đổi Giấy chứng nhận theo bản đồ địa chính mới thì xác định giá trị pháp lý thông tin theo kết quả cấp đổi Giấy chứng nhận;

+ Trường hợp chưa cấp đổi Giấy chứng nhận theo bản đồ địa chính mới thì xác định như sau:

++ Các thông tin về người sử dụng đất, thông tin về quyền sử dụng đất được xác định theo Giấy chứng nhận đã cấp.

Trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp không thể hiện thông tin thì xác định theo sổ địa chính và hồ sơ thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận;

++ Các thông tin về đường ranh giới (hình thể, kích thước cạnh thửa, tọa độ đỉnh thửa), diện tích của thửa đất được xác định theo bản đồ địa chính mới.

Trường hợp đường ranh giới thực tế của thửa đất trên bản đồ địa chính mới đã có biến động so với ranh giới thể hiện trên Giấy chứng nhận đã cấp thì thông tin pháp lý về đường ranh giới và diện tích sử dụng đất được xác định theo Giấy chứng nhận đã cấp.

Văn Trọng

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
2160 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;