Quy định về tiêu chuẩn đối với cô đỡ thôn bản từ ngày 01/01/2024

Quy định về tiêu chuẩn đối với cô đỡ thôn bản từ ngày 01/01/2024
Trần Thanh Rin

Xin cho tôi hỏi để trở thành cô đỡ thôn, bản thì cá nhân cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn như thế nào? – Thanh Minh (Khánh Hòa)

Quy định về tiêu chuẩn đối với cô đỡ thôn bản từ ngày 01/01/2024

Quy định về tiêu chuẩn đối với cô đỡ thôn bản từ ngày 01/01/2024 (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

Quy định về tiêu chuẩn đối với cô đỡ thôn bản từ ngày 01/01/2024

Cụ thể tại Điều 2 Thông tư 27/2023/TT-BYT quy định về tiêu chuẩn đối với Nhân viên y tế thôn, bản; Cô đỡ thôn bản từ năm 2024 như sau:

(1) Trình độ chuyên môn, đào tạo: Nhân viên y tế thôn, bản; Cô đỡ thôn bản phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:

- Hoàn thành chương trình (được cấp chứng chỉ) theo nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại Điều 6 Thông tư 27/2023/TT-BYT;

Điều 6. Nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ

1. Đối với Nhân viên y tế thôn, bản: các nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ được quy định tại Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư này, thời gian đào tạo tối thiểu ba (03) tháng.

2. Đối với Cô đỡ thôn, bản: các nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ được quy định tại Phụ lục số 04 của Thông tư này, thời gian đào tạo tối thiểu sáu (06) tháng.

3. Đối với Nhân viên y tế thôn, bản làm kiêm nhiệm vụ Cô đỡ thôn, bản: các nội dung đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ được quy định tại Phụ lục số 05 ban hành kèm theo Thông tư này, thời gian đào tạo tối thiểu ba (03) tháng.

4. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được phép đào tạo các ngành Điều dưỡng, Hộ sinh, Y sỹ đa khoa từ trình độ trung cấp trở lên căn cứ nội dung chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 của Điều này, tổ chức xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình, tài liệu đào tạo, tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ đào tạo theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.

- Có trình độ chuyên môn về y (bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh) từ trung cấp trở lên.

(2) Tự nguyện tham gia làm Nhân viên y tế thôn, bản hoặc Cô đỡ thôn bản.

(3) Có đủ sức khoẻ để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định.

Phạm vi hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với Cô đỡ thôn bản

Phạm vi hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với Cô đỡ thôn bản được quy định như sau:

- Đối với người dân tại thôn, bản:

Phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm, thực hiện sơ cứu ban đầu khi cấp cứu và tai nạn; tham gia chuyến tuyến với các trường hợp cấp cứu.

- Đối với bà mẹ và trẻ em tại thôn, bản:

+ Phát hiện thai nghén sớm, khám thai; lập phiếu theo dõi thai sản, tư vấn, vận động các phụ nữ mang thai đi khám thai ít nhất 4 lần/thai kỳ và đến đẻ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

+ Quản lý thai nghén, phát hiện những trường hợp thai có nguy cơ cao, xử trí ban đầu và chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh kịp thời;

+ Phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm ở bà mẹ và thai nhi trong chuyển dạ, xử trí ban đầu, thông báo trạm y tế xã hỗ trợ, huy động người nhà/người dân tại cộng đồng chuyển bà mẹ đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh kịp thời;

+ Xử trí ban đầu các tai biến trong trường hợp đẻ rơi không kịp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để sinh đẻ và hỗ trợ chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh kịp thời; đỡ đẻ thường ngôi chỏm cho phụ nữ có thai khi chuyển dạ không thể đến hoặc không kịp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để sinh đẻ; hướng dẫn gia đình xử lý chất thải y tế phù hợp với điều kiện thực tế của thôn, bản;

+ Khám và xử trí, chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh tại nhà sau đẻ:

(i) Đối với bà mẹ: quan sát toàn thân và trạng thái tinh thần; đo mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở; hỗ trợ bà mẹ xử trí tụt núm vú, cương đau vú, tắc tia sữa, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến cho con bú; khám nắn bụng, kiểm tra co hồi tử cung; kiểm tra tầng sinh môn, sản dịch; phát hiện các dấu hiệu bất thường của bà mẹ và chuyển đến cơ sở y tế khi cần thiết;

(ii) Đối với trẻ sơ sinh: cân trẻ, theo dõi sự phát triển của trẻ; tình trạng bú sữa mẹ; khám đánh giá tình trạng toàn thân: mạch, tần số thở, tiếng thở của trẻ; quan sát phát hiện các bất thường hoặc dị tật bẩm sinh ngoài về toàn thân, da, miệng, tai, mắt, chân, tay, bộ phận sinh dục, hậu môn...; khám da, vệ sinh thân thể và chăm sóc da cho trẻ; khám rốn và chăm sóc rốn; phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường của trẻ và chuyển đến cơ sở y tế khi cần thiết.

+ Hướng dẫn, tư vấn vệ sinh phụ nữ, các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn đường sinh sản và các bệnh lây truyền qua đường tình dục;

+ Hướng dẫn, tư vấn chế độ ăn bổ sung hợp lý cho trẻ;

+ Cấp phát các sản phẩm chứa sắt/axit folic cho phụ nữ mang thai, bà mẹ, các sản phẩm phòng, chống và điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ em theo hướng dẫn của Trạm y tế xã (nếu có), kết hợp hướng dẫn, kiểm tra theo dõi tại hộ gia đình.

- Quản lý và sử dụng hiệu quả Túi dụng cụ cô đỡ thôn, bản; hỗ trợ trạm y tế xã hướng dẫn người bệnh sử dụng thuốc thiết yếu an toàn, hợp lý và hiệu quả.

- Danh mục kỹ thuật chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh đối với Cô đỡ thôn, bản quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư 27/2023/TT-BYT.

(Khoản 2 Điều 5 Thông tư 27/2023/TT-BYT)

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

751 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;