Thân nhân tôi đăng ký bảo hộ giống cây trồng, xin hỏi mức phạt vi phạm quy định về nghĩa vụ của chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng như thế nào? - Mỹ Hà (Thanh Hóa )
Mức phạt vi phạm nghĩa vụ của chủ Bằng bảo hộ, tác giả giống cây trồng (Hình từ internet)
Theo Khoản 5 và Khoản 24 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2022 quy định về giống cây trồng và quyền đối với giống cây trồng thì:
- Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu.
- Giống cây trồng là quần thể cây trồng thuộc cùng một cấp phân loại thực vật thấp nhất, đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống, có thể nhận biết được bằng sự biểu hiện các tính trạng do kiểu gen hoặc sự phối hợp của các kiểu gen quy định và phân biệt được với bất kỳ quần thể cây trồng nào khác bằng sự biểu hiện của ít nhất một tính trạng có khả năng di truyền được.
Căn cứ Điều 191 Luật Sở hữu trí tuệ 2022 quy định về nghĩa vụ của chủ bằng bảo hộ bao gồm:
- Trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 191 Luật Sở hữu trí tuệ 2022, chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng có nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả giống cây trồng theo thỏa thuận; trường hợp không có thỏa thuận thì mức thù lao trả cho tác giả quy định như sau:
+ 10% lợi nhuận trước thuế mà chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng thu được do sử dụng giống cây trồng được bảo hộ để sản xuất, kinh doanh;
+ 15% tổng số tiền mà chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng trước khi nộp thuế theo quy định;
+ 35% tổng số tiền mà chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng nhận được từ việc chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng trong lần đầu tiên trước khi nộp thuế theo quy định và không được nhận thù lao đối với lần chuyển nhượng tiếp theo và thù lao theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều 191 Luật Sở hữu trí tuệ 2022.
- Đối với giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng trả thù lao cho tác giả theo quy định sau đây:
+ Tối thiểu 10% và tối đa 15% lợi nhuận trước thuế mà chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng thu được do sử dụng giống cây trồng được bảo hộ để sản xuất, kinh doanh;
+ Tối thiểu 15% và tối đa 20% tổng số tiền mà chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng trước khi nộp thuế theo quy định;
+ Tối thiểu 20% và tối đa 35% tổng số tiền mà chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng nhận được từ việc chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng trong lần đầu tiên trước khi nộp thuế theo quy định và không được nhận thù lao đối với lần chuyển nhượng tiếp theo và thù lao theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều 191 Luật Sở hữu trí tuệ 2022.
- Trong trường hợp giống cây trồng có đồng tác giả, mức thù lao quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 191 Luật Sở hữu trí tuệ 2022 là mức dành cho các đồng tác giả; các đồng tác giả tự thỏa thuận việc phân chia số tiền thù lao do chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng chi trả.
- Nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả tồn tại trong suốt thời hạn bảo hộ giống cây trồng.
- Nộp lệ phí duy trì hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng cho cơ quan bảo hộ giống cây trồng trong thời hạn ba tháng sau ngày cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng đối với năm hiệu lực đầu tiên và trong tháng đầu tiên của năm hiệu lực tiếp theo đối với các năm sau.
- Lưu giữ giống cây trồng được bảo hộ, cung cấp thông tin, vật liệu nhân giống của giống cây trồng được bảo hộ theo yêu cầu của cơ quan bảo hộ giống cây trồng; duy trì tính ổn định của giống cây trồng được bảo hộ theo tính trạng mô tả tại thời điểm cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng.
Theo Điều 18 Nghị đinh 31/2023/NĐ-CP (có hiệu lực từ 28/7/2023) quy định về mức phạt với hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ của chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng như sau:
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng không thực hiện việc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng đã được bảo hộ theo quyết định bắt buộc chuyển giao của cơ quan có thẩm quyền;
+ Chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng không trả thù lao cho tác giả giống cây trồng theo quy định;
+ Chủ Bằng bảo hộ không đáp ứng được điều kiện về tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định của giống cây trồng được bảo hộ như tại thời điểm cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng mà vẫn khai thác, sử dụng vật liệu nhân giống;
+ Tác giả giống cây trồng không thực hiện đúng nghĩa vụ giúp chủ Bằng bảo hộ duy trì vật liệu nhân giống của giống cây trồng được bảo hộ.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng Bằng bảo hộ giống cây trồng đã hết hiệu lực, bị đình chỉ hoặc hủy bỏ hiệu lực để thực hiện quyền đối với giống cây trồng.
Bên cạnh đó, tại Khoản 3 Điều 18 Nghị đinh 31/2023/NĐ-CP (có hiệu lực từ 28/7/2023) quy định về biện pháp khắc phục hậu quả với hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ của chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng bao gồm:
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại Điểm c Khoản 1 và Khoản 2 Điều 18 Nghị đinh 31/2023/NĐ-CP (có hiệu lực từ 28/7/2023);
- Buộc nộp lại Bằng bảo hộ giống cây trồng cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 18 Nghị đinh 31/2023/NĐ-CP (có hiệu lực từ 28/7/2023).
Như vậy, hành vi vi phạm nghĩa vụ của chủ Bằng bảo hộ, tác giả giống cây trồng có thể bị xử phạt tới 30.000.000 đồng với cá nhân và phạt tới 60.000.000 triệu đồng với tổ chức.
Ngoài ra, khi thuộc trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 18 Nghị đinh 31/2023/NĐ-CP (có hiệu lực từ 28/7/2023) thì tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về về nghĩa vụ của chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định pháp luật.
Nguyễn Phạm Nhựt Tân
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |