Công ty không trả lương đúng hạn, phải làm thế nào?

Người lao động đôi khi rơi vào tình trạng trớ trêu đến kì phát lương nhưng vẫn không được nhận lương đúng hạn. Khiến người lao động "ăn không ngon, ngủ không yên". Kể cả trường hợp người lao động đã nghỉ việc nhưng vẫn không được nhận khoản tiền lương đầy đủ, trọn vẹn.

 

Theo nguyên tắc trả lương quy định tại Điều 96 Bộ luật lao động 2012"Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn".

Theo hướng dẫn tại Điều 24 Nghị định 05/2015/NĐ-CP, trường hợp người lao động không trả lương đúng hạn do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mặc dù đã tìm mọi biện pháp khắc phục thì việc trả lương không được trả chậm quá 01 tháng. Theo đó, ngoài tiền lương phải trả, người sử dụng lao động phải trả thêm một khoản tiền cho người lao động do trả lương chậm theo quy định như sau:

  • Nếu thời gian trả lương chậm dưới 15 ngày thì không phải trả thêm; 
  • Nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương.

Việc công ty trả lương quá hạn hoặc giữ lương của nhân viên là trái với quy định của pháp luật. Do đó, người lao động phải yêu cầu công ty thanh toán đầy đủ tiền lương đúng hạn cho mình, nếu công ty không thực hiện người lao động có quyền làm đơn gửi đến Cơ quan Lao động Thương binh và Xã hội nơi công ty có trụ sở để yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết, bảo vệ quyền lợi cho mình.

Trường hợp Phòng Lao động Thương binh và Xã hội không giải quyết được thì người lao động có quyền nộp hồ sơ (kèm đầy đủ các giấy tờ cần thiết) để khởi kiện ra Tòa án nhân dân địa phương.

Liên quan đến thủ tục giải quyết tranh chấp như trên, người lao động nên lưu ý đến thời hiệu yêu cầu giải quyết quy định tại Điều 202 Bộ luật lao động 2012 như sau:

  • Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
  • Thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

 

Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm về trả lương không đúng hạn thì sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Khoản 3 Điều 13 Nghị định 95/2013/NĐ-CP như sau:

  • Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
  • Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
  • Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
  • Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
  • Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Đồng thời, buộc người sử dụng lao động phải trả đủ tiền lương cho người lao động và khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

1834 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;