Sau khi xét xử ở cấp phúc thẩm xong, trong trường hợp tôi không đồng ý kết luận trong bản án phúc thẩm của Tòa thì tôi phải làm thế nào? Tôi có được làm đơn kháng cáo bản án phúc thẩm nộp cho Tòa án tối cao hay cấp cao gì không? Nội dung là giám đốc thẩm hay phúc thẩm lại? - Thắc mắc của bạn Trần Trung Hiếu.
Về vấn đề này, THƯ KÝ LUẬT giải đáp như sau:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 355 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Mặt khác, Khoản 2 Điều 27 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 về chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm có quy định:
“Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới theo quy định của Bộ luật này thì được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.”
Do đó, bản án phúc thẩm không thể bị kháng cáo mà chỉ có thể xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm nếu có căn cứ theo Điều 371 và Điều 398 BLTTHS 2015.
Hình minh họa (Nguồn internet)
Do thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm không phải là một cấp xét xử mà chỉ là thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực do phát hiện có sai lầm, vi phạm pháp luật trong việc giải quyết vụ án hoặc phát hiện ra tình tiết mới quan trọng của vụ án, để đảm bảo tính ổn định của bản án thì chỉ có những người có thẩm quyền mới có quyền kháng nghị yêu cầu Tòa án xét lại bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Theo đó, BLTTHS 2015 quy định những người sau đây có quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm bản án hình sự phúc thẩm:
Điều 373. Những người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
2. Chánh án Tòa án quân sự trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự khu vực.
3. Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
Điều 400. Những người có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
2. Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự khu vực.
3. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
Vì vậy, trong trường hợp này, bạn không có quyền kháng cáo bản án phúc thẩm nữa mà chỉ có quyền làm đơn đề nghị xem xét thủ tục giám đốc thẩm/tái thẩm gửi cho những người có thẩm quyền kháng nghị theo quy định trên để họ xem xét và quyết định có kháng nghị hay không.
Thanh Lâm
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |