Cán bộ quân đội nghỉ hưu mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được hưởng chế độ gì?

Chế độ chăm sóc cán bộ quân đội nghỉ hưu mắc bệnh hiểm nghèo được quy định tại Thông tư 158/2011/TT-BQP thực hiện chế độ, chính sách góp phần chăm sóc đối với cán bộ quân đội nghỉ hưu do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành ngày 15/8/2011.

Cán bộ quân đội nghỉ hưu, Thông tư 158/2011/TT-BQP

Cán bộ quân đội nghỉ hưu mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được hưởng chế độ gì? (Ảnh minh họa)

Cụ thể, tại Điều 6 Thông tư 158/2011/TT-BQP quy định chế độ chăm sóc cán bộ quân đội nghỉ hưu mắc bệnh hiểm nghèo như sau:

1. Đối tượng:

Cán bộ quân đội nghỉ hưu nếu mắc một trong các bệnh thuộc Danh mục bệnh hiểm nghèo quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư 158/2011/TT-BQP được Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh ký quyết định công nhận cán bộ mắc bệnh hiểm nghèo thì được trợ cấp hàng quý; cán bộ từ trần thì thôi hưởng trợ cấp từ quý tiếp theo.

2. Chế độ hưởng:

  • Chế độ trợ cấp bệnh hiểm nghèo được thực hiện từ ngày cấp có thẩm quyền ký quyết định và được hưởng trợ cấp cả quý đó; mức trợ cấp một người/quý bằng một (01) tháng tiền lương tối thiểu chung theo quy định của Chính phủ tại thời điểm chi trả;

  • Cán bộ quân đội nghỉ hưu mắc bệnh hiểm nghèo điều trị tại các bệnh viện, của quân đội được hưởng phần chênh lệch giữa tiền ăn bệnh lý và tiền ăn cơ bản do bệnh viện thanh toán.

3. Hồ sơ bệnh hiểm nghèo:

Hồ sơ cán bộ quân đội nghỉ hưu mắc bệnh hiểm nghèo được lập thành 01 bộ theo các mẫu quy định tại phụ lục 2 ban hành kèm theo thông tư này, gồm:

- Đơn đề nghị xét hưởng chế độ hiểm nghèo (Mẫu số 01/2011/BHN);

- Biên bản giám định bệnh hiểm nghèo (Mẫu số 02/2011/BHN);

- Quyết định công nhận cán bộ quân đội nghỉ hưu mắc bệnh hiểm nghèo (Mẫu số 03/2011/BHN);

Hồ sơ do Bộ chỉ huy quân sự tỉnh (Ban Chính sách) lưu giữ, quản lý.

4. Trách nhiệm lập hồ sơ, tiếp nhận và giải quyết:

Cán bộ quân đội nghỉ hưu hoặc thân nhân của cán bộ quân đội nghỉ hưu gửi hồ sơ về Ban Chỉ huy quân sự xã, phường nơi cư trú. Hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị xét hưởng chế độ hiểm nghèo (01 bản);

- Các giấy tờ liên quan điều trị bệnh hiểm nghèo, gồm: Bản sao bệnh án hoặc một trong các giấy tờ khác như: Sổ sức khoẻ, các xét nghiệm (01 bản);

- Bản sao quyết định nghỉ hưu hoặc phiếu đăng ký cán bộ quân đội nghỉ hưu (01 bản).

Ban Chỉ huy quân sự xã, phường nơi đối tượng, cư trú: Tiếp nhận và chuyển hồ sơ hợp lệ đến Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.

Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện: Tiếp nhận, hồ sơ do Ban Chỉ huy quân sự cấp xã chuyển đến, kiểm tra hồ sơ và tình trạng bệnh tật trên hồ sơ theo quy định; lập danh sách đối tượng (kèm theo hồ sơ) báo cáo Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.

Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh: Chỉ đạo cơ quan chức năng (Ban Chính sách) tiếp nhận hồ sơ và danh sách do Ban Chỉ huy quân sự quận, huyện chuyển đến; kiểm tra, thẩm định, tổ chức giám định theo quy định, nếu đủ điều kiện thì lập biên bản kết luận từng trường hợp trình Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh ký Quyết định công nhận cán bộ quân đội nghỉ hưu mắc bệnh hiểm nghèo trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.

Tổng hợp danh sách báo cáo về Cục Chính trị quân khu (qua Phòng Chính sách).

5. Tổ chức giám định bệnh hiểm nghèo

- Hội đồng giám định bệnh hiểm nghèo đối với cán bộ quân đội nghỉ hưu (sau đây gọi tắt là Hội đồng) do Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh quyết định thành lập. Thành phần Hội đồng, gồm: Chủ tịch Hội đồng là Chủ nhiệm quân y; ủy viên thường trực là Trưởng Ban Chính sách; ủy viên - thư ký là bác sỹ trợ lý quân y; ủy viên khác là Trưởng Ban Cán bộ; Trưởng Ban Quân lực. Đối với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội quy định cấp Trưởng phòng tương ứng nêu trên.

- Hội đồng có nhiệm vụ tổ chức giám định thông qua hồ sơ hoặc giám định trực tiếp khám bệnh nhân (trường hợp không có hồ sơ):

  • Giám định thông qua hồ sơ: Phải căn cứ bản sao bệnh án, các xét nghiệm liên quan của bệnh viện dân y từ tuyến quận, huyện hoặc các bệnh viện Quân đội nơi đối tượng đã điều trị; xem xét kỹ nội dung khám, xét nghiệm, chẩn đoán chuyên môn trong bản sao bệnh án để đối chiếu và kết luận giám định theo tiêu chuẩn trong “Phụ lục 1- Danh mục bệnh hiểm nghèo” ban hành kèm theo Thông tư này để kết luận.

  • Giám định trực tiếp: Khi không có hồ sơ bệnh án của bệnh viện, Hội đồng khám giám định trực tiếp tại gia đình hoặc các cơ sở y tế bằng hình thức khám lâm sàng và xét nghiệm cần thiết; kết luận giám định theo tiêu chuẩn trong “Phụ lục 1 - Danh mục các bệnh hiểm nghèo” để kết luận.

Chủ tịch Hội đồng và các thành viên chịu trách nhiệm về tính chính xác của kết luận giám định. Trường hợp không thống nhất được kết luận thì chuyển hồ sơ lên Hội đồng giám định y khoa cấp quân khu.

Xem chi tiết tại Thông tư 158/2011/TT-BQP, có hiệu lực từ ngày 29/9/2011.

Thùy Trâm

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

1638 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;