Dưới đây là nội dung về việc dự kiến trình Quốc hội Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) vào tháng 02 năm 2025 theo Nghị quyết phiên họp của Chính phủ.
Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội vào tháng 02 năm 2025 (Hình từ internet)
Ngày 18/01/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết 14/NQ-CP về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 01 năm 2025.
Theo Nghị quyết 14/NQ-CP năm 2025, về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi):
Chính phủ đánh giá cao Bộ Nội vụ đã chủ động chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); thống nhất sự cần thiết xây dựng Luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho việc kiện toàn tổ chức bộ máy của Chính phủ, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tình hình mới.
Bộ Nội vụ nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến các Thành viên Chính phủ, ý kiến các bộ, cơ quan liên quan, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, đáp ứng các yêu cầu sau:
- Dự án Luật cần tập trung giải quyết hài hòa, hợp lý, hiệu quả, rõ ràng, cụ thể mối quan hệ giữa các cơ quan của Chính phủ bao gồm Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, các bộ, cơ quan ngang bộ; giữa các cơ quan của Chính phủ với các cơ quan ở Trung ương như Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao... và giữa các cơ quan của Chính phủ với chính quyền địa phương.
- Rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm bao quát, toàn diện, chặt chẽ, thể hiện đúng vị trí, chức năng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được quy định tại Hiến pháp.
- Phân cấp, phân quyền phải gắn với bảo đảm nguồn lực, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện, trong đó lưu ý xác định rõ những nhiệm vụ, quyền hạn không phân cấp và những nhiệm vụ, quyền hạn cần đẩy mạnh phân cấp hoặc ủy quyền; đồng thời, quy định mang tính nguyên tắc về phân cấp, phân quyền, ủy quyền làm cơ sở pháp lý để Chính phủ quyết định phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến Thành viên Chính phủ tại Phiên họp để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); đồng thời tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật và thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để gửi xin ý kiến Thành viên Chính phủ, bảo đảm chất lượng, tiến độ, kịp thời trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, tháng 02 năm 2025.
Xem thêm nội dung tại Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 18/01/2025.
Theo dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), đã đề cập các nội dung cơ bản dưới đây:
(1) Về phạm vi điều chỉnh
Dự thảo Luật bổ sung 01 điều mới quy định phạm vi điều chỉnh của Luật. Tại điều này đã quy định các nội dung được quy định trong dự thảo Luật. Việc bổ sung điều này là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tương đồng với đa số các luật hiện hành.
(2) Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ: Cơ bản kế thừa các nguyên tắc được quy định tại Điều 5 Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành.
(3) Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ
Dự thảo luật đã khái quát hóa các nhóm nhiệm vụ của Chính phủ theo từng nhóm cụ thể: (1) Nhiệm vụ Chính phủ trình Quốc hội; (2) Nhiệm vụ Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; (3) Nhiệm vụ Chính phủ tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lệnh quyết định của Chủ tịch nước; (4) Nhiệm vụ quản lý tập trung thống nhất ở trung ương, không phân cấp cho chính quyền địa phương (gồm: Quốc phòng, an ninh, ngoại giao, tiền tệ, thuế, hải quan); (5) Nhiệm vụ Chính phủ thực hiện thống nhất trong việc phân công, phân cấp để phù hợp với khả năng, điều kiện, năng lực và đặc điểm của từng chủ thể.
Đồng thời, đề xuất bổ sung một số nhiệm vụ cụ thể khác thuộc quyền hành pháp của Chính phủ, nhưng chưa quy định rõ trong luật hiện hành hoặc đang được quy định tại các luật khác nay đề xuất chuyển giao cho Chính phủ theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013.
Ví dụ: Quyền hạn của Chính phủ trong tình huống bất thường, nhưng chưa đến mức phải ban bố tình trạng khẩn cấp (như trong chống dịch Covid 19).
Theo đó, những nội dung này cần quy định rõ trong Luật để Chính phủ có công cụ, phương tiện chỉ đạo, điều hành bảo đảm theo đúng pháp luật. Quy định rõ một số quyền của Chính phủ trong việc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa Chính phủ với cơ quan thực hiện quyền lập pháp và với cơ quan thực hiện quyền tư pháp.
(4) Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chinh phủ:
Dự thảo Luật đã thiết kế theo hướng phân định và khái quát hóa các nhóm nhiệm vụ: (1) Nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội; (2) Nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; (3) Nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước; (4) Nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt của Chính phủ.
Đồng thời, chủ động nghiên cứu, đề xuất để chuyển các nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Thủ tướng Chính phủ sang cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, bảo đảm tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo tinh thần đẩy mạnh phân cấp của Thủ tướng Chính phủ (các vấn đề quan trọng, liên ngành đang giao Thủ tướng Chính phủ sẽ được chuyển Chính phủ thống nhất quản lý).
(5) Về trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ
Bổ sung và quy định rõ trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Bổ sung và quy định rõ trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ với tư cách là thành viên Chính phủ có trách nhiệm giải trình, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Bổ sung quy định việc Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ hoặc ủy quyền cho thành viên Chính phủ ký các văn bản của Chính phủ.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |