Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 12/2022

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 12/2022
Nguyễn Như Mai

Hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ điện thoại thông minh, phạt đến 40 triệu đồng hành vi gian lận để được cấp chứng chỉ GDNN… là một trong những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 12/2022 (từ ngày 11 - 20/12/2022).

1. Từ 12/12/2022, hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ điện thoại thông minh

Đây là nội dung tại Thông tư 14/2022/TT-BTTTT (có hiệu lực từ ngày 12/12/2022) quy định danh mục, chất lượng dịch vụ viễn thông công ích và hướng dẫn thực hiện Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.

Cụ thể, đối tượng được hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo.

- Điều kiện được hỗ trợ:

+ Hộ gia đình chưa được hỗ trợ máy tính bảng từ Chương trình hoặc thiết bị học tập trực tuyến (máy tính bảng, máy tính để bàn, máy tính xách tay) thuộc Chương trình “Sóng và máy tính cho em” (tính đến thời điểm Bộ Thông tin và Truyền thông phân bổ số lượng điện thoại thông minh cho các địa phương);

+ Hộ gia đình có nhu cầu hỗ trợ và được cấp có thẩm quyền phê duyệt danh sách nhận hỗ trợ.

- Hình thức hỗ trợ:

+ Hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh kết hợp với hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông di động mặt đất cho hộ gia đình;

+ Hỗ trợ bằng tiền (nếu hộ gia đình thuộc danh sách được hỗ trợ đã tự mua điện thoại thông minh kể từ ngày Thông tư 14/2022/TT-BTTTT có hiệu lực thi hành). Trường hợp hỗ trợ bằng tiền, mức hỗ trợ là 500.000 đồng/hộ.

2. Phạt đến 40 triệu đồng hành vi gian lận để được cấp chứng chỉ GDNN

Chính phủ ban hành Nghị định 88/2022/NĐ-CP ngày 26/10/2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Trong đó, quy định phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

(Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này áp dụng đối với cá nhân.)

- Cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học không đúng mẫu quy định;

- Cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học không đúng thẩm quyền theo quy định.

(Đối với 02 hành vi nêu trên, mức xử phạt vi phạm hành chính áp dụng đối với tổ chức.)

Nghị định 88/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 12/12/2022.

3. Tiêu chuẩn trình độ chuyên môn giám định viên pháp y tâm thần

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 11/2022/TT-BYT ngày 01/11/2022 quy định tiêu chuẩn, hồ sơ, thủ tục bổ nhiệm, cấp thẻ, miễn nhiệm và thu hồi thẻ giám định viên pháp y và giám định viên pháp y tâm thần.

Theo đó, tiêu chuẩn trình độ chuyên môn với giám định viên pháp y tâm thần quy định như sau:
Là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ tiêu chuẩn chung quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Giám định tư pháp, không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Giám định tư pháp và đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể sau đây:

- Có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành đào tạo quy định tại Thông tư 09/2022/TT-BGDĐT phù hợp với lĩnh vực pháp y tâm thần.

- Là bác sĩ thuộc ngành đào tạo y đa khoa đã được cấp Chứng chỉ hoặc Giấy chứng nhận đào tạo chuyên môn về tâm thần từ 06 tháng trở lên tại cơ sở đào tạo có chức năng đào tạo chuyên ngành tâm thần; hoặc bác sĩ đã được cấp văn bằng đào tạo sau đại học chuyên khoa tâm thần (Bác sĩ chuyên khoa I, Bác sĩ chuyên khoa II, Bác sĩ nội trú, Thạc sĩ, Tiến sĩ).

(Hiện hành, yêu cầu giám định viên pháp y tâm thần phải đáp ứng tiêu chuẩn “đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo” tại cơ sở y tế từ đủ 05 năm trở lên. Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên pháp y tâm thần là người trực tiếp giúp việc trong hoạt động giám định ở tổ chức pháp y tâm thần thì thời gian hoạt động thực tế chuyên môn phải từ đủ 03 năm trở lên.)

Thông tư 11/2022/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/12/2022 và thay thế Thông tư 02/2014/TT-BYT.

4. Nguyên tắc kết nối, chia sẻ thông tin CSDLQG về dân cư với hệ thống thông tin khác

Đây là nội dung tại Thông tư 46/2022/TT-BCA ngày 04/11/2022 quy định về kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin khác do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành.

Theo đó, quy định nguyên tắc kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin khác như sau:

- Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; bảo đảm các quy định về bảo mật, an ninh, an toàn thông tin mạng theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Không làm ảnh hưởng đến quyền lợi và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, không được xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trừ trường hợp pháp luật khác có quy định.

- Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an có trách nhiệm kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân được kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải bảo đảm điều kiện hạ tầng hệ thống thông tin, mô hình kết nối, cấu trúc dữ liệu, an ninh, an toàn, bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật.

Thông tư 46/2022/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 19/12/2022.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

15528 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;