Hoa lợi, lợi tức được hình thành từ đâu? Quyền sở hữu hoa lợi, lợi tức

Hoa lợi, lợi tức là những sản vật (vật mới) được tạo ra từ sự phát triển tự nhiên có tính chất hữu cơ hoặc được hình thành từ hoạt động đầu tư, khai thác từ tài sản. Theo đó, chủ sở hữu, người sử dụng có quyền tự khai thác, sử dụng hoặc cho người khác khai thác công dụng của tài sản để hưởng lợi tức.

Hoa lợi, lợi tức được hình thành từ đâu? Quyền sở hữu hoa lợi, lợi tức

Hoa lợi, lợi tức được hình thành từ đâu? Quyền sở hữu hoa lợi, lợi tức (Ảnh minh họa)

1. Khái niệm hoa lợi, lợi tức

Theo quy định tại Điều 109 Bộ luật Dân sự 2015 thì hoa lợi, lợi tức được định nghĩa như sau:

- Hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại;

Ví dụ: Cây là tài sản ban đầu (tài sản gốc) khi ra hoa, quả thì hoa, quả chính là hoa lợi. Hoặc gà, vịt là tài sản gốc, khi gà, vịt đẻ trứng thì trứng là hoa lợi.

- Lợi tức là khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản. Lợi ích tài sản này phải được thực hiện, khai thác một cách hợp pháp từ tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ sở hữu và không trái đạo đức xã hội.       

Ví dụ: Anh X cho anh Y thuê căn nhà với giá 5.000.000 đồng một tháng thì nhà là tài sản ban đầu, 5.000.000 đồng là khoản tiền thu được từ việc cho thuê nhà nên được gọi là lợi tức.

Tương tự, chị A cho chị B vay 100 triệu (tài sản ban đầu) với lãi suất 6%/năm thì khoản tiền lãi 6.000.000 đồng thu được từ chị B được gọi là lợi tức.

Ví dụ tài sản vừa sinh ra hoa lợi, vừa sinh ra lợi tức: con bò (tài sản gốc) đẻ ra con bê thì con bê là hoa lợi, tuy nhiên nếu cùng là con bò là tài sản gốc ban đầu có thể được cho người khác thuê đi cày sẽ sinh ra lợi tức.

2. Quyền sở hữu hoa lợi, lợi tức từ tài sản gốc

Căn cứ xác lập quyền sở hữu hoa lợi, lợi tức được quy định tại Điều 224 BLDS 2015 cụ thể như sau:

“Chủ sở hữu, người sử dụng tài sản có quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật, kể từ thời điểm thu được hoa lợi, lợi tức đó”.

Theo đó, tại quy định này người xác lập quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức gồm: chủ sở hữu và người sử dụng tài sản. Tùy theo sự thỏa thuận của các bên để xác lập quyền sở hữu hoặc dựa theo quy định của pháp luật.

a. Quyền sở hữu hoa lợi, lợi tức trong đặt cọc            

Ví dụ: Anh A thỏa thuận bán cho anh B một con trâu với giá 35 triệu đồng. Anh B đã đặt cọc trước 15 triệu và hẹn 10 ngày nữa đến dắt trâu về đồng thời thanh toán số tiền còn lại cho anh A. Đúng hẹn, anh B đến thanh toán và dắt trâu về nhưng trước đó cách 4 ngày con trâu anh mua đẻ ra 01 con trâu con. Vậy con trâu con này sẽ thuộc quyền sở hữu của ai?

Theo quy định tại Điều 328 BLDS 2015 thì “Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng”. Theo đó, đặt cọc chỉ là biện pháp đảm bảo trong hợp đồng mua bán. Vì vậy, trong thời gian anh B đặt cọc tiền con trâu vẫn thuộc quyền sở hữu của anh A.

Quyền sở hữu chỉ được chuyển giao khi khi anh B đến nhận trâu và hoàn tất thanh toán, khi đó quyền sở hữu tài sản của anh A mới chấm dứt kể từ thời điểm phát sinh quyền sở hữu của anh B (Điều 238 BLDS 2015). Do đó, trong thời gian con trâu đẻ con nghé thì quyền sở hữu con nghé vẫn thuộc về anh A.

b. Quyền sở hữu hoa lợi, lợi tức trong cầm cố

Theo quy định tại Điều 316 BLDS 2015 quy định về trả lại tài sản cầm cố đối với hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản cầm cố thì “Hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản cầm cố cũng được trả lại cho bên cầm cố, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Bản chất của việc cầm cố tài sản là chuyển giao quyền sở hữu tài sản của mình (bên cầm cố) cho người khác nắm giữ (bên nhận cầm cố) mà tài sản vẫn thuộc quyền sở hữu của bên cầm cố.  Vì vậy, nếu các bên không có thỏa thuận nào khác thì phần hoa lợi, lợi tức sinh ra trong thời gian của hoạt động cầm cố vẫn thuộc về bên cầm cố.

Ví dụ: Ông X cho ông Y vay 20 triệu đồng trong thời hạn 01 tháng và yêu cầu ông Y cầm cố 01 con bò. Ông Y sau đó đã dắt 01 con bò cái sắp đẻ qua cho ông X. Trước 02 ngày kết thúc thời hạn vay thì con bò đẻ ra con bê. Như vậy, giữa ông X và ông Y ngoài hợp đồng vay tiền còn có hợp đồng cầm cố tài sản để đảm bảo cho việc trả nợ và việc giữ bò của ông Y không đồng nghĩa ông X là chủ sở hữu mà quyền sở hữu bò vẫn thuộc về ông Y, khi bò sinh ra con bê thì con bê được xác định là hoa lợi. Khi đến thời hạn chấm dứt hợp đồng vay (ông Y đã hoàn thành nghĩa vụ trả nợ) thì ông X phải trả lại toàn bộ tài sản mà ông Y đã cầm cố bao gồm cả con bò và con bê nếu ông X và ông Y không có thỏa thuận khác.

Như vậy, hoa lợi, lợi tức đều là tài sản phát sinh từ tài sản đang có. Tuy nhiên hoa lợi là sản vật tự nhiên mang tính hữu cơ, còn lợi tức là khoản lợi được tính ra bằng tiền. Chủ sở hữu và người sử dụng tài sản có quyền đối với hoa lợi, lợi tức tùy theo sự thỏa thuận của các bên hoặc dựa theo quy định của pháp luật.

Thúy Trọng

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

5787 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;