Quy chuẩn kỹ thuật sử dụng thiết bị thi công bê tông trong xây dựng

Thông tư 16/2021/TT-BXD quy định về quy chuẩn kỹ thuật sử dụng thiết bị thi công bê tông trong thi công xây dựng.

Quy chuẩn sử dụng thiết bị thi công bê tông

Theo tiểu mục 2.6 mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong thi công xây dựng ban hành kèm Thông tư 16/2021/TT-BXD quy định về quy chuẩn của máy, thiết bị thi công bê tông trong việc thi công xây dựng như sau:

- Đối với các máy trộn bê tông cỡ lớn, phải có rào chắn bảo vệ xung quanh để ngăn người đi ngang bên dưới thùng trộn khi thùng được nâng lên.

- Đối với các miệng phễu có kích thước lớn, máng hoặc thùng của máy trộn bê tông có cánh trộn, phải bố trí nắp đậy an toàn bằng thép có lỗ (dạng tấm grating) để ngăn người bị rơi, ngã vào.

- Ngoài cơ cấu hãm để ngừng hoạt động trộn, phải có thiết bị để giữ cố định chắc chắn vị trí thùng trộn của máy (hoặc trạm trộn bê tông) khi nó đã được nâng lên.

- Trước khi làm sạch thùng trộn của máy (hoặc trạm trộn bê tông), phải khóa công tắc mở cửa xả, ngắt điện và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa để ĐBAT cho người lao động bên trong thùng trộn.

- Khi sử dụng thùng đổ (hoặc phễu đổ) để đổ bê tông bằng cần trục hoặc bằng cáp treo trên không, thùng đổ phải được giữ ở vị trí cách xa các đối tượng khác ở xung quanh khu vực sẽ đổ bê tông (ví dụ: chòi bảo vệ, thiết bị khác trong công trường hoặc nhà ở gần công trường) để tránh nguy cơ thùng đổ hoặc bê tông rơi vào.

- Các thùng đổ (phễu đổ) chứa bê tông phải được di chuyển đến vị trí đổ bằng các biện pháp phù hợp.

- Các thùng đổ (phễu đổ) được giữ, vận chuyển bằng cần trục và cáp treo trên không phải được treo bằng các móc an toàn (tuân thủ theo các quy định đối với phụ kiện nâng).

- Khi bê tông được xả ra khỏi thùng đổ (phễu đổ), người lao động phải đứng ở vị trí ngoài phạm vi dao động của thùng đổ (phễu đổ).

- Tháp trộn bê tông, cột đỡ phễu đổ hoặc băng tải chuyển bê tông phải:

+ Được lắp dựng bởi người có thẩm quyền;

CHÚ THÍCH: Người có thẩm quyền là nhân viên kỹ thuật của nhà sản xuất (cung cấp) bê tông hoặc người lắp dựng máy, thiết bị thi công bê tông của nhà thầu.

+ Được người quản lý máy, thiết bị thi công của nhà thầu, nhà sản xuất (cung cấp) bê tông kiểm tra hàng ngày và trước mỗi ca làm việc, xác nhận ĐBAT cho vận hành.

- Máy tời (hoặc cẩu) để nâng (hoặc kéo) thùng đổ (hoặc phễu đổ) phải được đặt ở vị trí sao cho người vận hành có thể quan sát rõ toàn bộ các công đoạn đổ bê tông (đổ bê tông vào thùng, nâng kéo lên, đổ bê tông ra và hạ thùng xuống). Khi người vận hành máy tời (hoặc cẩu) không thể quan sát được một trong các công đoạn trên, bắt buộc phải bố trí một người điều phối để hỗ trợ, hướng dẫn.

- Nếu người vận hành máy tời (hoặc cẩu) và người điều phối không thể nhìn thấy thùng đổ (phễu đổ) thì phải có phương tiện (hoặc thiết bị) báo vị trí của thùng đổ (phễu đổ).

- Thanh dẫn hướng cho thùng chứa trong tháp (trạm) trộn bê tông phải được căn chỉnh chính xác và được bảo trì đúng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất để ngăn ngừa thùng chứa bị kẹt trong tháp trộn.

- Giàn giáo đỡ cho ống đổ bê tông bơm phải đảm bảo khả năng đỡ được ống đổ khi chứa đầy bê tông cùng với tất cả người lao động trên giàn giáo, với hệ số an toàn ít nhất bằng 4 (bốn).

CHÚ THÍCH: Yêu cầu về giàn giáo xem quy định tại 2.2.

- Ống bơm bê tông phải:

+ Được neo, giữ chắc chắn ở hai đầu và tại các điểm uốn;

+ Được trang bị van xả khí tại vị trí gần đầu ống;

+ Có vòng đai siết bằng bu lông hoặc tương đương gắn vào vòi bơm.

Quy chuẩn kỹ thuật sử dụng thiết bị thi công bê tông trong xây dựng

Quy chuẩn lắp đặt động cơ trong thi công xây dựng

Theo tiểu mục 2.6 mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong thi công xây dựng ban hành kèm Thông tư 16/2021/TT-BXD quy định về quy chuẩn chế tạo và lắp đặt động cơ trong thi công xây dựng như sau:

- Động cơ phải:

+ Được chế tạo và lắp đặt để có thể khởi động an toàn và không thể hoạt động vượt quá tốc độ an toàn lớn nhất;

+ Có bộ phận điều khiển để khống chế tốc độ khi cần thiết;

+ Có các thiết bị dừng, đặt ở vị trí an toàn, để dừng động cơ trong trường hợp khẩn cấp.

- Động cơ đốt trong không được hoạt động trong khoảng thời gian dài tại các không gian hạn chế, trừ trường hợp thực hiện đầy đủ việc thông gió, thoát khí thải nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động.

- Khi động cơ đốt trong đang được cấp nhiên liệu:

+ Phải tắt hệ thống khởi động động cơ;

+ Phải tránh làm đổ hoặc rơi vãi nhiên liệu ra ngoài bình chứa;

+ Không được phép hút thuốc hoặc có lửa trần ở khu vực lân cận;

+ Phải có bình chữa cháy phù hợp, ở trạng thái hoạt động tốt.

- Phải đặt các bồn (thùng, bể) chứa nhiên liệu dự trữ bên ngoài phòng máy.

Thông tư 16/2021/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 20/6/2022.

Trung Tài

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1054 lượt xem
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;