Áp giải, dẫn giải là gì? Áp giải, dẫn giải được quy định như thế nào trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015? - Ngọc Huyền (Bình Phước)
Áp giải, dẫn giải là gì? Đối tượng bị áp dụng biện pháp áp giải, dẫn giải (Hình từ Internet)
1. Áp giải, dẫn giải là gì?
Theo Điều 126 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, để bảo đảm hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, trong phạm vi thẩm quyền của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp áp giải, dẫn giải.
Trong đó, áp giải, dẫn giải được hiểu như sau:
- Áp giải là việc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo đến địa điểm tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử.
- Dẫn giải là việc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế người làm chứng, người bị tố giác hoặc bị kiến nghị khởi tố đến địa điểm tiến hành điều tra, truy tố, xét xử hoặc người bị hại từ chối giám định.
(Điểm k, l khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)
2. Đối tượng bị áp dụng biện pháp áp giải, dẫn giải
Căn cứ khoản 1 Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì:
Áp giải có thể áp dụng đối với:
- Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp;
- Người bị buộc tội.
Trong khi đó, dẫn giải có thể áp dụng đối với:
- Người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;
- Người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;
- Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án, đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.
(Khoản 2 Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)
* Lưu ý: Căn cứ khoản 6 Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì:
- Không được bắt đầu việc áp giải, dẫn giải người vào ban đêm;
- Không được áp giải, dẫn giải người già yếu, người bị bệnh nặng có xác nhận của cơ quan y tế.
3. Thẩm quyền ra quyết định áp giải, dẫn giải
Chủ thể có thẩm quyền ra quyết định áp giải, dẫn giải theo quy định tại khoản 3 Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, bao gồm:
- Điều tra viên;
- Cấp trưởng của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
- Kiểm sát viên;
- Thẩm phán chủ tọa phiên tòa;
- Hội đồng xét xử.
4. Quyết định áp giải, dẫn giải
- Quyết định áp giải, quyết định dẫn giải phải ghi rõ:
+ Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người bị áp giải, dẫn giải;
+ Thời gian, địa điểm người bị áp giải, dẫn giải phải có mặt;
+ Các nội dung của văn bản tố tụng quy định tại khoản 2 Điều 132 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, bao gồm:
Số, ngày, tháng, năm, địa điểm ban hành văn bản tố tụng; căn cứ ban hành văn bản tố tụng; nội dung của văn bản tố tụng; họ tên, chức vụ, chữ ký của người ban hành văn bản tố tụng và đóng dấu.
- Người thi hành quyết định áp giải, dẫn giải phải đọc, giải thích quyết định và lập biên bản về việc áp giải, dẫn giải theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Cơ quan Công an nhân dân, Quân đội nhân dân có thẩm quyền có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định áp giải, dẫn giải.
(Khoản 4, 5 Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)
Văn Trọng