Nơi khám chữa bệnh ban đầu BHYT là gì? Có thay đổi được không?

Trên thẻ BHYT của mỗi cá nhân sẽ có ghi thông tin về “Nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu”. Vậy nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là gì và có thể thay đổi được không?

Nơi khám chữa bệnh ban đầu BHYT là gì? Có thay đổi được không? (Ảnh minh họa)

1. Nơi khám chữa bệnh ban đầu BHYT là gì?

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đầu tiên theo đăng ký của người tham gia bảo hiểm y tế và được ghi trong thẻ bảo hiểm y tế.

(Khoản 5 Điều 2 Luật Bảo hiểm y tế 2008)

2. Đăng ký khám chữa bệnh ban đầu BHYT

Đăng ký khám chữa bệnh ban đầu BHYT được quy định tại Điều 28 Luật Bảo hiểm y tế 2008 như sau:

- Người tham gia bảo hiểm y tế có quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương; trừ trường hợp được đăng ký tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế phải làm việc lưu động hoặc đến tạm trú tại địa phương khác thì được khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với tuyến chuyên môn kỹ thuật và nơi người đó đang làm việc lưu động, tạm trú theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

- Tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu được ghi trong thẻ bảo hiểm y tế.

3. Có thể thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu BHYT không?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật Bảo hiểm y tế 2008 thì người tham gia bảo hiểm y tế được thay đổi cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu vào đầu mỗi quý.

Như vậy, người tham gia bảo hiểm y tế được thay đổi cơ sở đăng ký khám chữa bệnh vào tháng tháng 01, 04, 07, 10 hàng năm.

Thủ tục thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu BHYT như sau:

* Nơi nộp hồ sơ:

- BHXH huyện: Đổi thẻ BHYT cho người tham gia BHYT do BHXH huyện thu.

- BHXH tỉnh: Đổi thẻ BHYT cho người tham gia BHYT tại các đơn vị do BHXH tỉnh trực tiếp thu.

* Hồ sơ bao gồm:

- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT theo mẫu.

- Trường hợp người lao động được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn: bổ sung Giấy tờ chứng minh (nếu có) theo Phụ lục 03 ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH.

* Thời hạn giải quyết yêu cầu:

Thời hạn giải quyết yêu cầu đổi thẻ BHYT là không quá 03 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

(Điều 27, 30 Quyết định 595/QĐ-BHXH)

Diễm My

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1467 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;