23 Tết âm lịch 2025 là ngày bao nhiêu dương? Doanh nghiệp vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ lễ tết thì bị phạt bao nhiêu?
23 Tết âm lịch 2025 là ngày bao nhiêu dương?
Tết Âm lịch 2025, hay còn gọi là Tết Nguyên Đán, sẽ bắt đầu từ ngày 29 tháng 1 năm 2025 (tức mùng 1 tháng Giêng Âm lịch, năm Ất Tỵ). Đây là dịp lễ truyền thống quan trọng nhất trong văn hóa Việt Nam, đánh dấu khởi đầu của năm mới theo lịch âm.
Theo lịch Vạn niên, 23 tết âm lịch 2025 là ngày 22/1/2025 dương lịch (thứ tư)
Tết âm lịch, hay còn gọi là Tết Nguyên Đán, là dịp lễ quan trọng và lớn nhất trong năm của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á, như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia,...
Tết âm lịch 2025 là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới theo lịch âm. Đây là dịp để mọi người gác lại những điều cũ kỹ và đón nhận may mắn, hy vọng trong năm mới.
Tết âm lịch chứa đựng nhiều phong tục độc đáo như: cúng giao thừa, chúc Tết, lì xì, xông đất, hái lộc,... Tất cả những hoạt động này mang tính chất cầu may, đón phúc, tránh xui xẻo.
23 Tết âm lịch 2025 là ngày bao nhiêu dương? Doanh nghiệp vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ lễ tết thì bị phạt bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Tết Âm lịch người lao động được nghỉ bao nhiêu ngày?
Căn cứ Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định nghỉ lễ, tết:
Điều 112. Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.
Theo quy định trên, tết âm lịch người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương 05 ngày. Tuy nhiên, hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ tết âm lịch.
Doanh nghiệp vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ lễ tết thì bị phạt bao nhiêu?
Căn cứ Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi:
Điều 18. Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không bảo đảm cho người lao động nghỉ việc riêng hoặc nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật;
b) Không thông báo bằng văn bản cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi tổ chức làm thêm giờ và nơi đặt trụ sở chính về việc tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định của pháp luật;
b) Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 108 của Bộ luật Lao động.
4. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: không đảm bảo cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc hoặc nghỉ chuyển ca theo quy định của pháp luật; huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Như vậy, theo quy định trên nếu doanh nghiệp ép người lao động đi làm ngày Tết Âm lịch sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng tùy vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc.
Lưu ý: Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định này là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân (theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).