Tiền Việt Nam được quy định như thế nào? Hồ sơ đề nghị giám định tiền giả, tiền nghi giả trong phòng chống tiền giả gồm những giấy tờ nào?
Cho tôi hỏi tiền Việt Nam được quy định như thế nào? Hồ sơ đề nghị giám định tiền giả, tiền nghi giả trong phòng chống tiền giả gồm những giấy tờ nào? Câu hỏi từ anh Lân (Hà Giang)
Tiền Việt Nam được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 55 Hiến pháp 2013 quy định như sau:
1. Ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia, quỹ tài chính nhà nước và các nguồn tài chính công khác do Nhà nước thống nhất quản lý và phải được sử dụng hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật.
2. Ngân sách nhà nước gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, trong đó ngân sách trung ương giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm nhiệm vụ chi của quốc gia. Các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán và do luật định.
3. Đơn vị tiền tệ quốc gia là Đồng Việt Nam. Nhà nước bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền quốc gia.
Căn cứ Điều 16 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định đơn vị tiền:
Đơn vị tiền
Đơn vị tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là "Đồng", ký hiệu quốc gia là "đ", ký hiệu quốc tế là "VND", một đồng bằng mười hào, một hào bằng mười xu.
Theo quy định trên, tiền Việt Nam hiện nay là Đồng Việt Nam, ký hiệu quốc gia là "đ", ký hiệu quốc tế là "VND".
Mệnh giá của tiền Việt Nam bao gồm nhiều mệnh giá khác nhau, từ mệnh giá thấp đến mệnh giá cao. Cụ thể là 200 đồng; 500 đồng; 1,000 đồng; 2,000 đồng; 5,000 đồng; 10,000 đồng; 20,000 đồng; 50,000 đồng; 100,000 đồng; 200,000 đồng và 500,000 đồng.
Tiền Việt Nam được quy định như thế nào? Hồ sơ đề nghị giám định tiền giả, tiền nghi giả trong phòng chống tiền giả gồm những giấy tờ nào? (Hình từ Internet)
Hồ sơ đề nghị giám định tiền giả, tiền nghi giả trong phòng chống tiền giả gồm những giấy tờ nào?
Theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 87/2023/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 02/02/2024) quy định về hồ sơ đè nghị giám định tiền giả và tiền nghi giả gồm:
Giám định tiền giả, tiền nghi giả
...
2. Hồ sơ đề nghị giám định gồm:
a) Giấy đề nghị giám định tiền giả, tiền nghi giả theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Hiện vật là tiền giả, tiền nghi giả cần giám định.
...
Theo đó, hồ sơ đề nghị giám định tiền giả, tiền nghi giả gồm có:
[1] Giấy đề nghị giám định tiền giả, tiền nghi giả;
[2] Hiện vật là tiền giả, tiền nghi giả cần giám định.
Quy định về thời gian trả kết quả giám định tiền giả, tiền nghi giả trong phòng chống tiền giả là bao lâu?
Theo khoản 3 Điều 5 Nghị định 87/2023/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 02/02/2024) quy định về hồ sơ đè nghị giám định tiền giả và tiền nghi giả như sau:
Giám định tiền giả, tiền nghi giả
...
3. Cơ quan giám định thực hiện giám định trong thời gian tối đa 05 ngày làm việc đối với 01 tờ hoặc miếng tiền; trường hợp số lượng tiền cần giám định vượt quá 20 tờ hoặc miếng đối với 01 hồ sơ đề nghị giám định, thời gian tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Trong quá trình thực hiện giám định, trường hợp nhận thấy việc giám định sẽ vượt quá thời gian quy định nêu trên, cơ quan giám định có văn bản thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu giám định.
4. Việc giám định để xác định tính xác thực của đồng tiền theo quy định tại Nghị định này được thực hiện miễn phí. Chi phí giám định tư pháp về tiền Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp.
5. Trường hợp chưa có sự thống nhất về kết quả giám định tiền giữa các cơ quan giám định thì kết quả giám định của Ngân hàng Nhà nước có giá trị thực hiện.
Theo đó, các cơ quan giám định tiền giả, tiền nghi giả sẽ có thời gian thực hiện giám định như sau:
- Tối đa 05 ngày làm việc đối với 01 tờ hoặc miếng tiền;
- Tối đa không quá 60 ngày đối với số lượng tiền cần giám định vượt quá 20 tờ hoặc miếng đối với 01 hồ sơ đề nghị giám định
Trong quá trình thực hiện giám định, trường hợp nhận thấy việc giám định sẽ vượt quá thời gian quy định nêu trên, cơ quan giám định có văn bản thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu giám định.
Trân trọng!