Ban hành Luật Viễn thông 2023 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024?
Tôi muốn hỏi: Đã có Luật Viễn thông 2023 chưa? Hành vi nào bị nghiêm cấm trong hoạt động viễn thông?- Câu hỏi của anh Tú (Tp.HCM).
Ban hành Luật Viễn thông 2023 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024?
Luật Viễn thông 2023 có 10 Chương và 73 Điều và có hiệu lực từ ngày 01/07/2024.
Chương 1: Những quy định chung
Chương 2: Kinh doanh viễn thông
Chường 3: Viễn thông công ích
Chương 4: Giấy phép viễn thông
Chương 5: Kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông
Chương 6: Tài nguyên viễn thông
Chương 7: Quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng và giá dịch vụ viễn thông
Chương 8: Công trình viễn thông
Chường 9: Quản lý nhà nước về viễn thông
Chương 10: Điều khoản thi hành.
Ban hành Luật Viễn thông 2023 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024? (Hình từ Internet)
Hành vi nào bị nghiêm cấm trong hoạt động viễn thông?
Tại Điều 9 Luật Viễn thông 2023 có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động viễn thông bao gồm:
(1) Lợi dụng hoạt động viễn thông nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
(2) Thu trộm, nghe trộm, xem trộm thông tin trên mạng viễn thông; trộm cắp, sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông, mật khẩu, khóa mật mã và thông tin riêng của tổ chức, cá nhân khác.
(3) Cản trở trái pháp luật việc thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông, gây rối, phá hoại việc thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông, việc cung cấp và sử dụng hợp pháp các dịch vụ viễn thông.
(4) Thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông, cung cấp dịch vụ viễn thông khi chưa được phép thực hiện theo quy định của Luật này.
(5) Sử dụng thiết bị, phần mềm gửi, truyền, nhận thông tin qua mạng viễn thông để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Thông tin nào được ưu tiên truyền qua mạng viễn thông?
Tại Điều 7 Luật Viễn thông 2023 có quy định về thông tin ưu tiên truyền qua mạng viễn thông bao gồm:
(1) Thông tin khẩn cấp phục vụ quốc phòng, an ninh, cơ yếu.
(2) Thông tin khẩn cấp phục vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn, thảm họa khác.
(3) Thông tin khẩn cấp phục vụ phòng, chống dịch bệnh.
(4) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.
Nguyên tắc xây dựng quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia là gì?
Tại Điều 8 Luật Viễn thông 2023 có quy định quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia như sau:
Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia
1. Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia được tích hợp vào quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông nhằm xác định mục tiêu, nguyên tắc, định hướng phát triển thị trường viễn thông, cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ, dịch vụ viễn thông và các giải pháp thực hiện.
2. Việc xây dựng quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:
a) Phù hợp với chiến lược, quy hoạch cấp quốc gia, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ; tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
b) Phù hợp với xu hướng hội tụ công nghệ và dịch vụ viễn thông; tạo điều kiện cho việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến;
c) Bảo đảm quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên viễn thông hiệu quả, tiết kiệm và đúng mục đích;
d) Bảo đảm phát triển viễn thông bền vững, hài hòa; thu hẹp khoảng cách phát triển viễn thông giữa các vùng, miền;
đ) Bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin.
3. Căn cứ vào quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan, doanh nghiệp viễn thông xây dựng quy hoạch, kế hoạch của doanh nghiệp mình.
Như vậy, nguyên tắc xây dựng quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia như sau:
- Phù hợp với chiến lược, quy hoạch cấp quốc gia, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ; tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
- Phù hợp với xu hướng hội tụ công nghệ và dịch vụ viễn thông; tạo điều kiện cho việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến;
- Bảo đảm quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên viễn thông hiệu quả, tiết kiệm và đúng mục đích;
- Bảo đảm phát triển viễn thông bền vững, hài hòa; thu hẹp khoảng cách phát triển viễn thông giữa các vùng, miền;
- Bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin.
Trân trọng!









